=> Tác động địa chính trị từ việc Mỹ xóa bỏ cấm vận vũ khí Việt Nam Địa chính trị

Việc hủy bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam là quyết tâm chính trị lớn đối với cả cá nhân Tổng thống Obama nói riêng cũng như lợi ích lâu dài của Hoa Kỳ tại ASEAN và châu Á – Thái Bình Dương nói chung.


Tờ Diplomat có bài phân tích sâu về việc Mỹ xóa bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam.

Việt Nam là một trong bốn quốc gia Đông Nam Á tham gia TPP và là đối tác quan trọng về các sáng kiến khu vực. Về quốc phòng, Việt Nam không chỉ là “chìa khóa” trong các sáng kiến an ninh Biển Đông mà còn đóng góp vào an ninh toàn cầu với tiếng nói hòa bình trên thế giới.

Việc xóa bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí cho Việt Nam đưa ra hai hướng phân tích (lý thuyết và thực tế). Về lý thuyết, việc xóa bỏ đó mang ý nghĩa quan hệ Việt-Mỹ có thể chính thức bình thường hóa. Và nếu việc này thành công thì Việt Nam và Mỹ có thể duy trì mối quan hệ: khép lại quá khứ và hướng đến tương lai thông qua việc giải quyết các hậu quả chiến tranh và thúc đẩy giáo dục thông qua việc mở thêm trường Đại học Fulbright tại Việt Nam. Hơn nữa, quyết định này cũng đưa ra một sức mạnh mới đối với chính sách ngoại giao của chính quyền ông Obama. Trước đó, ông Ben Rhodes - Phó Cố vấn An ninh quốc gia cho hay, chính sách ngoại giao lần này của ông Obama sẽ là hoàn toàn mới mà chưa từng được thực hiện trước đó, khác hoàn toàn với những gì đã làm với việc giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran, bình thường quan hệ với Cuba hay các cam kết với Myanmar. Việc xóa bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí đối với Việt Nam được xem là một hướng đi hoàn toàn mới của Hoa Kỳ trong mục tiêu tăng cường xoay trục sang châu Á.

Về mặt thực tế, việc xóa bỏ cấm vận sẽ mở đường cho Việt Nam tăng cường khả năng đảm bảo an ninh hàng hải trong bối cảnh các tranh chấp Biển Đông căng thẳng trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, xét trên phương diện rộng hơn, trong bối cảnh tất cả các quốc gia đang đầu tư nhiều cho quốc phòng và quân sự, việc Hoa Kỳ gỡ bỏ lệnh cấm sẽ mở ra một mối quan hệ hợp tác thương mại quân sự mới cho các công ty sản xuất quốc phòng giữa hai nước. Việc xóa bỏ cấm vận không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế tiềm năng cho các công ty Mỹ mà còn là cơ hội chiến lược cho Washington, đóng vai trò chủ lực cho an ninh toàn cầu. Xét trên góc độ của Việt Nam, việc gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vũ khí sát thương mang nhiều ý nghĩa chính trị hơn, không chỉ là quan hệ thương mại đơn thuần. Mặc dù đã bình thường hóa quan hệ đã khá lâu, nhưng bản chất của việc bình thường hóa này chưa được trọn vẹn do vẫn còn lệnh cấm vận vũ khí sát thương. Việc gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương sẽ là một động thái tích cực và chủ động từ phía Mỹ nhằm mở rộng hơn mối quan hệ đã được bình thường hóa giữa hai nước.

Thượng Nghị sỹ John McCain cho hay chúng ta không thể yêu cầu Việt Nam thúc đẩy hợp tác với Mỹ khi mà vẫn còn các áp đặt về cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Vì vậy, việc rỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sẽ thúc đẩy vị thế thuận lợi của Washington trong việc tăng cường quan hệ quốc phòng với Hà Nội. Thúc đẩy chuyển biến từ phía Hoa Kỳ, sẽ có sự thay đổi đối với Việt Nam bao gồm hải quan và thương mại quốc phòng sau khi xóa bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí, sẽ có ý nghĩa trong việc định hướng phát huy tầm nhìn mới về quan hệ quốc phòng giữa hai nước.

Rõ ràng, các hợp đồng quốc phòng và chuyển giao quân sự có thể cần một chút thời gian nữa để Việt Nam có thể hoàn thiện tất cả các thủ tục quy trình về đối tác với Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng giống như những gì đã làm với nước Nga. Chúng ta có thể mong đợi định hướng chiến lược của Việt Nam trong chính sách ngoại giao với Washington. Điều này cho thấy Việt Nam có thể bước sang trang mới với thế mạnh về quốc phòng, nâng tầm vai trò trong khu vực và thế giới. Trước đó, Việt Nam có mối quan hệ sâu sắc và lâu dài đối với vũ khí của Nga nhiều hơn. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ về an ninh hàng hải và chủ quyền biển đảo ở Biển Đông, việc tăng cường thêm một lựa chọn cung cấp vũ khí sẽ giúp Việt Nam tăng khả năng biến hóa và chủ động hơn nếu có tranh chấp xảy ra.

Như vậy, gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam trước khi rời nhiệm sở sẽ là một dấu ấn chính trị cực kỳ lớn của Tổng thống Obama, tạo một đà lớn để người kế nhiệm có thể kế thừa và phát triển sau này. Khi mối quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam được thắt chặt ở cả hai lĩnh vực quân sự quốc phòng và kinh tế xã hội, Hoa Kỳ sẽ có thêm một cánh cửa rộng để tiếp cận với một cộng đồng ASEAN đầy tiềm năng.

Vì vậy, việc hủy bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam là quyết tâm chính trị lớn đối với cả cá nhân Tổng thống Obama nói riêng cũng như lợi ích lâu dài của Hoa Kỳ tại ASEAN và châu Á – Thái Bình Dương nói chung.

Theo Báo Tổ Quốc

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét