Kháng thuốc kháng sinh sẽ trở thành một “mối đe dọa với con người còn nguy hiểm hơn cả ung thư” nếu không có các hành động can thiệp trên quy mô toàn cầu. Đây là những lời cảnh báo của Bộ trưởng Tài chính nước Anh George Osborne.
Những bằng chứng mới nhất cho thấy đến năm 2050 sẽ có khoảng 10 triệu người chết mỗi năm trên toàn thế giới do thuốc kháng sinh lúc này đã trở nên vô dụng với các chứng nhiễm trùng thường thấy – tức nhiều hơn số người chết vì ung thư hiện nay.
Phát biểu tại cuộc họp ở Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Bộ trưởng George Osborne cũng thông báo cho các đại biểu biết rằng thực trạng này sẽ dẫn đến hậu quả rất lớn về kinh tế: Đến năm 2050, tình trạng kháng thuốc của các vi sinh vật sẽ làm giảm GDP toàn cầu đến 3,5% – tương đương với 100 nghìn tỷ USD (70 nghìn tỷ Bảng).
Ông cho biết: “Nếu chúng ta không có hành động can thiệp trên quy mô toàn cầu, tình trạng kháng thuốc kháng sinh sẽ trở thành một mối đe dọa thậm chí còn lớn hơn ung thư hiện giờ”.
“Đây không chỉ là vấn đề về sức khỏe mà còn là vấn đề kinh tế nữa. Cái giá của việc không làm gì, cả về phương diện số người chết và số tiền mất đi, là quá lớn, và cả thế giới cần phải đồng tâm hiệp lực để tìm ra được một giải pháp chung”.
Cuộc đấu trí giữa bác sĩ và vi khuẩn. (Ảnh: Internet)
“Chúng ta cần phải nhanh chóng thay đổi cơ chế khuyến khích các công ty dược phẩm và các tổ chức có liên quan để tạo ra được một giải pháp lâu dài cho vấn đề này. Với những khuyến khích mới, được hỗ trợ trên toàn cầu, hy vọng họ sẽ phát triển được các loại thuốc kháng sinh mới và đảm bảo người dân ở các nước đang phát triển được tiếp cận với kháng sinh”.
“Để tìm ra được một giải pháp mang tính lâu dài, chúng ta cũng cần phải có những chẩn đoán tốt hơn để giảm bớt lượng thuốc kháng sinh phải sử dụng nếu không cần thiết”.
Thí nghiệm nuôi cấy vi sinh cho thấy vi khuẩn đã kháng lại thuốc kháng sinh. (Ảnh: Internet)
Vào năm 2014, Thủ tướng Anh là lãnh đạo đầu tiên thuộc nhóm các nước G20 đề cập đến nguy cơ kháng thuốc kháng sinh, và yêu cầu Bộ trưởng tài chính cùng với chuyên gia kinh tế Jim O’Neill đưa ra những giải pháp khả thi đối với vấn đề này.
Anh Quốc đã thực hiện hai trong số các đề xuất ban đầu của ông: “Tăng cường cung cấp tài chính cho việc nghiên cứu giai đoạn đầu và hỗ trợ xây dựng năng lực ở các khu vực có thu nhập thấp nhằm giám sát sự phát triển và lan rộng của tình trạng kháng thuốc kháng sinh”.
Người ta cũng hy vọng rằng một đề xuất nữa từ O’Neill và các đồng sự sẽ được chấp nhận, đó là đề xuất tạo nên “cơ chế khuyến khích xâm nhập thị trường” trong đó các công ty dược sẽ nhận được khoản tài trợ lớn nếu giới thiệu được một loại thuốc kháng sinh mới trên thị trường.
Các đề xuất cuối cùng của O’Neill sẽ được công bố vào tháng 5 năm nay.
Tại Việt Nam, phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn (88% thành thị và 91% nông thôn). Người dân mua kháng sinh tại các nhà thuốc dễ như mua rau ngoài chợ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã liệt Việt Nam vào danh sách nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất trên toàn cầu.
Việc lạm dụng loại thuốc này làm cho các vi sinh vật thích nghi với thuốc, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở thành kháng thuốc, làm cho thuốc kém hiệu quả hoặc không hiệu quả.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét