Mất đi một cánh tay từ khi còn rất nhỏ, song với ý chí, quyết tâm và sự khổ luyện, Nguyễn Thế Vinh vừa tốt nghiệp ĐH, vừa biểu diễn thành thạo cùng một lúc hai loại nhạc cụ.
Và cũng chỉ bằng một cánh tay, anh đã viết thêm một câu chuyện cổ tích đầy ý nghĩa khác: Mở Trung tâm Bảo trợ và Nuôi dưỡng trẻ mồ côi và trẻ khuyết tật, không chỉ rèn nhân cách mà còn cho các em tri thức để hướng đến giảng đường đại học.
Khổ luyện từ những cơn đau
Nguyễn Thế Vinh sinh năm 1970, quê ở miền đất nghèo thừa cả nắng lẫn gió – huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Nhà có bốn anh em, ba mất trong chiến tranh; chưa đầy ba năm sau, má vì đau buồn quá mà qua đời; bốn anh em mồ côi sống trong sự cưu mang của ông bà ngoại. Nhà ông bà ngoại nghèo, phải nhận chăn 2 con bò cho HTX, 2 con bò ấy giao cho cậu bé Vinh. Đến một buổi chiều mà Vinh gọi là định mệnh, cậu ngã từ trên lưng con bò xuống đất, gãy tay. “Bấy giờ điều kiện thiếu thốn, gia cảnh éo le, mình thì còn nhỏ, chưa có ý thức nên không được đến bệnh viện bó bột mà chỉ đến nhà một thầy lang nhờ bó bằng thuốc nam; rồi cánh tay bị nhiễm trùng, đến bệnh viện thì tay đã hoại tử và buộc phải cưa tay để cứu người”.
Cả mùa hè của năm 7 tuổi đó, Vinh hì hụi tập viết bằng tay trái. Tay tê, cóng, chuột rút mãi rồi cũng điều khiển được cây bút. Chữ nghĩa xiên xẹo, không thể đẹp như viết bằng tay phải được, nhưng như thế cũng là đủ để Vinh vừa tiếp tục… chăn bò, vừa tiếp tục đến trường. Những nhọc nhằn của vùng đất cát ven bờ sông Lũy vẫn còn in đậm trong tuổi thơ anh, đất ấy, chỉ trồng được một loại dưa lấy hạt, rang và nhuộm đỏ để bán vào dịp Tết. Mùa khô hạn, Vinh phải đi hàng cây số, gánh nước từ sông Lũy về tưới dưa, anh chỉ gánh được bằng vai trái, khi quá mỏi thì đặt gánh nước xuống nghỉ chứ không thể đổi sang vai phải như người bình thường.
Vất vả, lam lũ, đói nghèo, song ông bà ngoại vẫn nuôi Vinh học hết phổ thông. Học xong, Vinh vào TP Hồ Chí Minh tìm việc làm, trước hết là nuôi sống bản thân, sau nữa là đỡ đần ông bà nuôi nấng các em. Những ngày ở nhờ các anh sinh viên Trường ĐH Kinh tế, Vinh được họ động viên, khuyến khích tiếp tục học hành; thế là anh mượn sách vở để ôn thi. Kỳ tuyển sinh ngay năm sau đó, Vinh thi đỗ ĐH Kinh tế. Một mình ở chốn phồn hoa, ngoài học bổng hằng tháng, Vinh phải vừa học vừa làm, từ vá xe đạp ngoài vỉa hè, gia sư, cho đến trông giữ xe… việc gì vừa sức mình là anh nhận.
Học Kinh tế nhưng Vinh lại có vẻ có “năng khiếu” trong ngành điện tử, anh vừa “học lỏm” nghề sửa chữa điện tử từ một người bạn, vừa tìm sách vở, tài liệu để tự học. Và rồi chàng cử nhân kinh tế lại gắn bó với cái nghề ấy; suốt một thời gian dài, anh có cửa hàng sửa chữa điện thoại di động ở Gò Vấp, vừa là chủ, vừa là thợ.
Nghệ sĩ guitar “độc thủ”
Vinh biết đến guitar lần đầu tiên vào năm lớp 6, khi người cậu ruột mang cây đàn về sống với ông bà ngoại, anh đã mê mẩn ngay. “Hễ có dịp là mình lấy đàn ra tìm cách đánh thử. Đầu tiên thử cột chân nhang vô phần cùi tay còn lại để gảy, còn tay trái thì bấm. Nhưng cái cùi tay ngắn quá nên gảy bị sai dây và không đàn được. Sau đó mình mới kẹp phím vô chân phải và gảy bằng chân. Chân đưa lên đưa xuống nặng nề quá rồi cũng không thể nào đánh đàn được”. Sau đến ba năm mày mò, ngẫm nghĩ, Vinh “nghĩ” ra cách chơi đàn của riêng mình: “Sao mình còn năm ngón tay mà mình không thử bấm một hai ngón gì đó rồi mình gảy một ngón”. Thế là anh lật ngửa mặt đàn lên, ba ngón: Giữa, áp út và ngón út dùng để bấm hợp âm; còn ngón trỏ là ngón chủ lực, Vinh sử dụng để gảy lên hoặc xuống; ngón cái còn lại thỉnh thoảng để đánh bass.
“Đánh đàn như vậy thì người hai tay không biết cách nào để chỉ cho mình hết, hoàn toàn là mình phải suy nghĩ làm sao cho nó phù hợp để mình có thể đàn được thôi, nhạc lý mình cũng tự học sách luôn. Đến ba năm cấp 3 thì mình đã đàn được những giai điệu đơn lẻ”. Vẫn chưa bằng lòng với kiểu bấm nốt này, Vinh bắt đầu chuyển sang tập bấm hợp âm, “Đó là một bước rất dài. Cả năm sau mình mới có khả năng vừa gảy một ngón vừa chuyển các ngón kia tới vị trí của hợp âm mới một cách tức thì. Hai lý do để mình đàn được, một là vì cây đàn guitar là người bạn gần gũi với mình. Hai là mình rất thích làm những chuyện khó và đã chinh phục được thì mình thấy hạnh phúc lắm” – anh chia sẻ.
“Dị nhân” Nguyễn Thế Vinh trên sân khấu.
Cùng với guitar, Vinh còn chơi tốt harmonica từ khi học lớp 10. Thời gian ấy anh chỉ học bằng sự cảm âm của mình, trên cây ghi ta anh biết được nguyên tắc của 6 dây và tính nốt, rồi anh mới lấy từ cây guitar so sánh cái đồng âm của cây kèn harmonica rồi ghi nốt lại trên cây kèn. Đến khi học ĐH, anh nảy ra ý tưởng làm thế nào để cùng lúc hòa được hai âm thanh đó với nhau. Anh đi làm một cái giá để cây kèn và gắn nó lên cây đàn rồi bắt đầu tập vừa thổi kèn vừa đánh đàn. “Cái khó là khi tập trung vô kèn thì cái tay quên, còn khi tập trung vô tay để đàn thì quên cái miệng. Do đó mình phải tập từng nốt một, miệng thổi một nốt thì tay đánh một nốt, từng nốt một đó, bắt đầu ráp lại nhiều nốt xong mới ráp lại thành một bài. Cả một năm nữa mình mới có kỹ năng hòa tấu hai nhạc cụ đó với nhau”. Đến năm 2004, nhờ sự dẫn dắt của một số nhạc sĩ, ca sĩ, Nguyễn Thế Vinh bắt đầu biểu diễn trên sân khấu.
Thầy giáo mở trường cho trẻ mồ côi
Rồi không biết từ bao giờ, Nguyễn Thế Vinh luôn là khách mời đặc biệt trong các chương trình tổ chức vì người khuyết tật; từ các tổ chức trong nước đến “các tổ chức ngoại quốc mời mình đi trình diễn nơi này nơi kia”. Cái đêm Vinh biểu diễn trong chương trình “Đồng hành cùng người khuyết tật” (do một tổ chức của Hàn Quốc kết hợp với tỉnh Lâm Đồng tổ chức); Đà Lạt đêm ấy dường như bớt lạnh hơn, cả khán phòng lặng đi trong tiếng guitar hòa quyện tiếng harmonica; lặng đi trước hình ảnh một người nghệ sĩ vừa chơi đàn, vừa thổi kèn chỉ bằng duy nhất một cánh tay trái. Nhiều em bé khuyết tật không thể nói, chỉ biết hướng đôi mắt về phía Vinh và bàn tay đặt lên lồng ngực. Vinh bảo, nhờ những buổi biểu diễn như thế này mà mình thấy bản thân mình có một giá trị hữu ích nào đó trong cuộc đời này.
Vinh tâm sự: “Mỗi khi đi thăm những trại mồ côi hay trung tâm khuyết tật là mình thấy lại hình ảnh của mình. Và mình luôn có một trăn trở là phải làm một cái gì đó cho các em nhỏ giống mình ngày trước với chính khả năng và với kinh nghiệm sống của mình”. Anh tâm sự với những người bạn và nhanh chóng có được sự đồng cảm, ủng hộ từ họ. Mọi người đã giúp Vinh xây được Trung tâm Bảo trợ và Nuôi dưỡng trẻ mồ côi Hướng Dương. Bốn năm qua anh đã giúp đỡ cho hàng trăm học sinh (đa số là trẻ mồ côi); và cũng trong bốn năm qua, đã có gần 50 em học sinh của Trung tâm Bảo trợ và Nuôi dưỡng trẻ mồ côi Hướng Dương thi đỗ ĐH, CĐ. Hai năm đầu tiên, anh là người đảm trách mọi việc, từ giám thị, quản lý, kế toán cho đến dạy học. Bắt đầu từ năm thứ ba, những người tài trợ thấy anh vất vả quá mới đề nghị tìm thêm giáo viên và nhân viên, để gánh bớt công việc cho Vinh, và để Trung tâm còn phát triển lâu dài.
Với tất cả học sinh – dù lành lặn hay khuyết tật, thầy Vinh luôn luôn nói với các em rằng, nếu muốn tìm một cuộc sống tốt đẹp, thì các em phải cố gắng học giỏi hơn, phải cố gắng để có được nhiều khả năng hơn người bình thường. Các em phải sống bằng năng lực của mình, phải đứng vững bằng khả năng của mình, và khi đứng vững rồi thì mới có thể giúp đỡ những người đồng cảnh.
Trung tâm Bảo trợ và nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương ở địa chỉ 572, tổ 18B, khu phố 2, thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Học sinh được ăn ở tại trường, ban ngày các em đi học ở trường công như các trẻ bình thường cùng trang lứa. Thời gian còn lại trong ngày, các em được dạy kèm trong mục đích luyện thi đại học. “Trung tâm luôn mở rộng cánh cửa đón nhận các em mồ côi, điều kiện duy nhất là phải chịu học và gắng học cho giỏi” – thầy giáo Vinh nhấn mạnh.
Hoài An
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét