Tranh Hoàng Tường
Nguyễn Thế Vinh (sinh 1970) tại làng quê nghèo xứ cát Bắc Bình, Bình Thuận. Khi lên 8 tuổi, Nguyễn Thế Vinh bị ngã gãy tay và phải cưa cụt tay phải. Với một tay còn lại, Vinh có thể hòa tấu guitar và thổi Harmonica một cách nhuần nhuyễn. Để có thể điều chỉnh từng nốt nhạt trên cung đàn, Vinh đã mất hơn ba năm để tìm ra một cách riêng khi mình chỉ có một cánh tay.
Đầu năm 2004, Thế Vinh tình cờ gia nhập hội quán Hội ngộ, nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Với Vinh thì "Nghệ thuật không có sự thông cảm, dù khi bị khuyết tật".
Nhà báo, Nhạc sĩ Hữu Trịnh nhận xét:"Tôi từng nghe Vinh đàn cách đây cũng lâu, đó là một tay đàn đặc biệt. Vinh đặc biệt vì một tay chơi guitar – phải có trình độ kỹ thuật cao mới có thể dùng kỹ thuật Coule (vừa bấm vừa móc bằng một tay), lại là tay trái. Hơn thế, vừa chơi guitar, vừa chơi Harmonica mà không cần người đệm là một sự khó khăn; chơi hai tuyến giai điệu độc lập sẽ rất khó vì đòi hỏi khả năng tập trung rất cao. Phải có có năng khiếu thực thụ mới có khả năng tập luyện những "ngón đàn" đó, nếu không, có tập luyện mấy chục năm cũng sẽ thất bại mà thôi".
Những người bạn tâm giao của Thế Vinh là Hà Chương và Thuỷ Tiên. Họ cùng nhau lập nhóm hát - ban nhạc "Món quà của sóng" và cho ra mắt album đầu tay cùng tên. Hà Chương lúc đó là sinh viên khiếm thị, được biết đến là một nhạc sĩ có tài. Thuỷ Tiên bị khuyết tật ở miệng vẫn hát hay những ca khúc Trịnh Công Sơn và đã ra mắt album "Xin cho tôi".
Cầm trên tay lá thư ngỏ ký tên Nguyễn Thế Vinh gửi quý ân nhân và các mạnh thường quân đã giúp đỡ cho cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương (địa chỉ tại khu phố 2, thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát, Bình Dương), đọc đôi dòng giới thiệu về anh, hóa ra chúng tôi gặp lại “người quen” từ nhiều năm trước.
Đó là chàng nghệ sĩ tài hoa chỉ còn cánh tay trái lại có thể cùng lúc chơi hai nhạc cụ với ngón đàn guitar độc đáo hòa quyện cùng tiếng kèn harmonica những bản tình ca của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong những buổi biểu diễn gây quỹ từ thiện. Anh làm nhiều công việc ở Sài Gòn rồi bỏ phố về quê lâu nay, nhiều người tưởng anh “yên phận” làm thầy giáo làng, ai ngờ lại “ôm đồm” mở trường dạy học.
“Dị nhân” Nguyễn Thế Vinh trên sân khấu.
Muốn biết anh làm gì với cơ ngơi mới, chúng tôi đến cơ sở Hướng Dương vào một ngày Chủ nhật cuối tháng Chín. Bức tranh vẽ những đóa hoa hướng dương nở bung màu vàng rực trên tường làm sáng ấm hơn không khí một ngày mưa.
Có hẹn trước nhưng học trò bảo thầy Vinh đi dạy chưa về. Mười phút sau anh tự lái ôtô chạy thẳng vào sân, mừng đón người quen trong câu xin lỗi thường tình “lu bu quá”. Vẫn người đàn ông trung niên vóc dáng nhỏ nhắn, gương mặt phong trần do những năm tháng tuổi thơ cơ cực đã hằn sâu vết dấu, nhưng nụ cười, ánh mắt thì tươi rói.
Dẫn chúng tôi tham quan cơ ngơi do tự anh thiết kế, cùng học trò xây dựng, thấy mọi thứ đều gọn gàng, sạch sẽ. Anh hào hứng chia sẻ những việc đã và đang làm với cơ sở Hướng Dương, có không ít bức xúc khi kể về thủ tục, nhưng vẫn lạc quan tin rằng “mọi thứ đang tốt lên”. Nhìn những gì anh đã làm cho cơ sở này, chúng tôi biết thế nào là “sống trên đời cần có một tấm lòng…”.
* Duyên cớ vì sao mà đang ở Sài Gòn, anh lại về đây lập nghiệp vậy?
- Năm 2006, tôi lên Bến Cát thăm một người quen cũ của gia đình. Chị ấy nói phải chi tôi lên đây dạy học cho con chị và mấy đứa quanh đây thì hay biết mấy.
Lúc đó tôi đang có cửa hàng sửa chữa điện thoại di động ở Sài Gòn, nghe vậy tôi đồng ý, giao công việc lại cho mấy đứa em. Một phần tôi thích việc dạy học, hơn nữa tôi nghĩ, ai nhờ mà trong khả năng mình làm được thì nên làm. Tôi có gì ràng buộc đâu, cứ quảy gói đi thôi. Dạy được một, hai tháng thì học trò biết nhiều, kéo đến học đông dần rồi thành lớp.
* Không có tấc đất lẫn vốn liếng trong tay mà anh mở trường, anh có thấy mình “liều mạng” lắm không?
- Tôi mồ côi cả cha lẫn mẹ năm lên bảy tuổi. Năm đó tôi đi chăn bò cho hợp tác xã, té gãy tay, không có tiền đi bệnh viện nên gia đình đưa đi băng bó thuốc Nam, khổ nỗi làm không đúng cách nên cánh tay bị hoại tử, phải cắt bỏ. Ký ức đau buồn ấy là động lực để tôi phấn đấu vươn lên bằng con đường học hành.
Tôi đã từng trải qua nhiều khó khăn trong cuộc sống. Có lúc chán nản, mất phương hướng. Những lúc ấy, tôi nghĩ giá như mình có được một sự giúp đỡ nào đó thì đỡ biết mấy. Từ hoàn cảnh của mình, tôi muốn làm một điều gì thiết thực để giúp các em mồ côi, khuyết tật có điều kiện học hành tốt hơn.
Đúng là khi có ý định mở trường, tôi chỉ có cái mạng mình chứ không có gì cả. Nhưng tôi không cho rằng mình liều mạng mà chỉ nghĩ đơn giản, cứ làm điều gì mình cho là đúng, kiên trì thì sẽ có kết quả. Nói vậy chứ tôi tin mọi việc đều có sự sắp đặt sẵn của trời đất cả, tôi chỉ là người thừa hành thôi. Có như thế Hướng Dương mới ra đời và hoạt động được đến hôm nay.
* Ba năm qua, tỷ lệ học sinh đậu đại học, cao đẳng từ “lò” của anh không chỉ là 100%, mà tất cả còn vào được trường công nữa. Anh có bí quyết gì không?
- Tôi học Đại học Kinh tế nên các môn luyện thi khối A là sở trường của tôi. Suốt từ thời sinh viên và cả sau này, tôi từng dạy thêm để kiếm sống nên cũng tích lũy nhiều kinh nghiệm. Khi Hướng Dương ra đời và hoạt động vào tháng 9/2010, tôi đã thiết lập một chế độ dạy đặc biệt riêng, còn lại là sự cố gắng của các em.
Khi các em vào đây, tôi nói rằng các em phải gắng thi đậu đại học công lập thì mới có khả năng theo học, chứ trường dân lập chi phí rất cao, không kham nổi. Thầy và trò đều biết rõ nhiệm vụ của mình mà làm cho tốt. Chỉ có vậy thôi. Mùa thi vừa rồi trường có 18 em đi thi thì 16 em đậu đại học, hai em đậu cao đẳng. Thầy trò cùng hy vọng sẽ giữ được thành tích này.
* Có lẽ một phần cũng do đầu vào đã được anh sàng lọc, chỉ tuyển học sinh khá giỏi?
- Đối tượng học sinh được Hướng Dương tiếp nhận là các em khuyết tật, các em bị mồ côi cả cha mẹ và có học lực khá giỏi. Bởi tôi xác định ngay từ đầu, mình chỉ có thể làm nhiệm vụ đòn bẩy, giúp các em đi nhanh và đi đúng hướng. Nếu nhận đại trà thì phải xây dựng một mô hình khác phù hợp hơn.
Các em vẫn đi học chữ ở các trường bên ngoài nên phải đảm bảo sức học. Về đây tôi chỉ hệ thống lại, giúp các em phương pháp học và luyện thi năm cuối cấp ba. Tôi muốn xây dựng Hướng Dương như một mái nhà, các em trưởng thành từ đây không chỉ “thành tài” mà phải “thành nhân”.
* Việc dạy cho các em “thành nhân” xem ra còn nặng nề hơn, vì là cả quá trình. Anh có tự tin mình làm được và làm bằng cách nào?
- Tôi biết là không dễ, nhưng mình cứ uốn nắn, chỉnh sửa dần. Quan trọng mình phải là tấm gương để các em nhìn vào và tin những gì mình dạy bảo là điều tốt. Tôi dạy các em bằng những việc thực tế ở đây chứ không ở đâu xa.
Như việc báo cáo số lượng học sinh, năm nay cơ sở có 83 em, trong đó có năm em không thuộc diện chính thức giúp đỡ mà là diện ơn nghĩa, các em này đi học có đóng tiền cơm và một phần học phí.
Tôi cũng báo cáo rõ ràng việc này chứ không lập lờ. Qua đó tôi muốn dạy cho các em về lòng trung thực. Thậm chí khi có các đoàn thanh kiểm tra của Sở Giáo dục - Đào tạo Bình Dương đến đây tôi cũng không nói trước cho các em biết để chuẩn bị. Tôi không muốn có sự sắp xếp giả tạo.
Vậy mà giáo dục của chúng ta hiện nay lại làm như thế. Dự giờ là để kiểm tra tiết học thực tế vậy mà thầy trò được báo trước để chuẩn bị thì còn gì là kiểm tra. Có nhiều việc nhiều tổ chức làm sai, người ta lên tiếng, báo chí phản ánh mà vẫn không ai sửa. Với các em học sinh, chúng ta không nên dạy một đằng, làm một nẻo như thế.
Thử hỏi từ khi đi học các em đã phải chứng kiến những việc không trung thực của người lớn thì làm sao bắt các em phải thực hiện những bài học đạo đức được thầy cô giảng dạy trên lớp được.
*Như vậy là ở Hướng Dương, anh không chỉ làm thầy mà còn đóng nhiều vai trò khác? Nghe nói anh “làm luật” nghiêm lắm…
- Từ khi thành lập cơ sở Hướng Dương đến nay, đúng là tôi tự mình đảm nhiệm nhiều vai trò, thứ nhất là quản lý chung, thứ hai là giám thị kiêm “đao phủ”, thầy giáo và cả thợ hàn, thợ cưa, thợ xây...
Mới đầu không có “luật” gì cả, chỉ là những quy định đơn giản, nhưng sau đó xuất phát từ tình hình thực tế mà tôi phải hoàn chỉnh dần và áp dụng như luật vậy. Khi có luật chặt chẽ rồi, giải thích chi tiết cho các em hiểu lý do tại sao phải làm như thế rồi mà vẫn vi phạm thì sẽ bị phạt.
Chuyện này tôi làm đến hai năm mới xong. Nguyên tắc ở đây tất cả đều là của chung nhưng cấp phát ra thành của riêng và giao cho mỗi em tự quản lý. Ai không có ý thức gìn giữ, nhắc nhở mà vẫn tái phạm thì sẽ bị phạt.
*Thế các em có tự giác làm theo không hay anh vẫn phải giám sát?
- Tôi nói với các em, nội quy đã có, cứ theo đó mà làm. Đến khi nào thành thói quen thì sẽ bỏ luật, nhưng tôi nghĩ chắc còn lâu. Bởi lúc đầu ra luật, tôi chỉ viết có hai câu: đúng giờ giấc và sạch đẹp, gọn gàng, nhưng không cải thiện được gì cả. Thùng rác không chùi rửa, đến mức không ai dám đến bỏ rác vô thùng mà đi tới gần là vứt tràn ra ngoài, lâu dần thành bãi rác.
Để tập cho các em vào nề nếp, tôi phải quy định trách nhiệm cụ thể: Em nào trực rác khi thấy thùng rác nhỏ đầy phải đem đi đổ vào thùng rác lớn. Ai thấy thùng đầy mà vẫn tiếp tục bỏ rác vào, không nhắc người trực rác cũng bị phạt bằng cách rửa chén, nấu ăn. Có em đã phải rửa chén suốt nửa tháng.
*Để cơ sở Hướng Dương hoạt động như ngày hôm nay, có nhiều mạnh thường quân hiểu tâm huyết của anh và đã đồng hành cùng anh. Như vậy là anh không đơn độc rồi…
- Nhà tài trợ chính cùng Hướng Dương hiện nay là Ngân hàng Deutsche Bank của Đức có văn phòng tại Việt Nam. Tháng 5/2009, chị Trịnh Vĩnh Trinh, em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gọi điện cho tôi, nói là một người quen của chị có biết và rất quý tôi, muốn mời tôi đến dự sinh nhật.
Nghe có người quý mình thì tôi nhận lời. Tới nơi mới biết đó là sinh nhật của một người đàn ông thành đạt, là giám đốc một chi nhánh ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam.
Qua cách nói chuyện của anh, tôi thấy anh đó là người có tâm nên tôi mạnh dạn liên lạc qua điện thoại, xin địa chỉ email để gửi dự án tôi đang viết về kế hoạch xây trường. Khi tôi gửi email, anh ấy xem qua và họp trao đổi với ngân hàng Đức, sau đó lên phương án giúp đỡ chương trình.
Lúc tôi đến làm việc với họ, có nhiều tổ chức xã hội khác, là đại diện các dự án thiện nguyện của nước ngoài đóng tại Việt Nam cũng có mặt để trình bày dự án của họ, mục đích xin hỗ trợ giống như tôi. Đến phiên tôi trình bày, dự án chỉ nằm trên giấy, chưa có gì cả.
Vậy mà cuối cùng, những người đại diện cho các dự án khác lại có ý kiến với ngân hàng này là nên giúp cho tôi xây dựng cơ sở Hướng Dương. Tôi cũng không ngờ mình may mắn như vậy.
Bây giờ mỗi năm tôi làm bảng dự toán chi phí và gửi cho họ duyệt, chưa khi nào tôi phải giải trình lý do các khoản chi tiêu cả. Vì tôi tính toán chi tiết và hợp lý nhất có thể. Người ta đã tin tưởng mình thì mình cũng phải làm xứng đáng với lòng tin ấy chứ.
* Khi xây dựng xong cơ sở vật chất, anh chiêu sinh các học trò đặc biệt của mình bằng cách nào?
- Tôi chủ động đi tìm học sinh. Đây cũng là câu chuyện cho tôi nhiều bài học kinh nghiệm. Để tìm học sinh đúng tiêu chí, tôi gửi công văn cho Sở Lao động - Thương binh - Xã hội của các tỉnh, thành nhờ giới thiệu giúp. Thư gửi đi rồi, chờ mãi nhưng tôi không nhận được sự hồi đáp nào.
Tôi xoay hướng khác, nhờ bạn bè ở các địa phương mách chỉ. Tôi còn lên mạng tìm danh sách và điện thoại tới trường các em đang học xác minh lại thông tin có đúng không. Xin gặp học trò xong rồi lại xin gặp người nuôi dưỡng học trò để trao đổi, trình bày việc làm của mình.
Trường hợp nào thuyết phục được, tôi hẹn ngày giờ đến gặp. Đầu tiên cho các em học thử hai tháng hè để xem có thích nghi được với môi trường mới hay không, có khả năng theo học chương trình này nổi hay không rồi mới chuyển hồ sơ vào học.
* Như anh nói, anh rút ra được điều gì từ việc đi tìm học sinh?
- Tôi nghĩ, mình có thiện ý nhưng lại không tạo được lòng tin. Đã vậy, người ta còn nghi ngờ, không giúp đỡ mình. Điều này khiến tôi băn khoăn. Có lẽ vì xã hội bây giờ bất an quá, con người ta ngụy tạo nhiều quá nên quá ít lòng tin vào nhau. Nghe có người làm việc tốt càng nghi ngờ hơn. Vậy nên chấp nhận “vác tù và” rồi, tôi phải tự đi giải thích với mọi người, cũng may sau đó có người chịu tin mình.
* Trong tương lai, nếu nhu cầu học của các em nhiều hơn thì anh sẽ mở rộng mô hình này như thế nào?
- Hiện nay trường đang hoạt động tốt, mọi thứ đã ổn định và đang phát triển. Tôi cũng có nghĩ tới việc mở rộng mô hình ở miền Nam, miền Trung và cao nguyên. Tôi có gặp một số em có hoàn cảnh rất đáng thương, muốn mang các em về trung tâm mà chưa được. Bởi các em mồ côi cha mẹ, đang sống với ông bà nội ngoại đã già yếu nên các em không nỡ đi xa.
Những trường hợp này về tình, tôi không thể thuyết phục được. Nếu có điều kiện, tôi sẽ mở một cơ sở nữa ở miền Trung để giúp những em này có điều kiện học tốt hơn.
*Từng có tuổi thơ vất vả, hơn ai hết anh thấm thía được cái nghèo đi liền cái khổ. Khi vượt qua được cái nghèo, sao anh không để cho mình được sung sướng mà lại lao vào việc “vác tù và hàng tổng” như thế này?
- Đối với người khác không biết bao nhiêu là đủ, nhưng với tôi như vậy là đủ lắm rồi. Tôi vẫn dạy thêm để có thể trang trải cho cuộc sống của mình. Tôi được khán giả thương mến nên thường xuyên được mời đi biểu diễn, cả trong và ngoài nước. Nhà cửa không phải trên đất của mình nhưng trước mắt là của mình, do mình quản lý.
Hồi trước tôi đi Sài Gòn - Bình Dương mỗi ngày, có ngày hai tua bằng xe máy. Bây giờ thấy mình cần phải giữ sức khỏe nên mới tích cóp mua chiếc ôtô cũ này làm phương tiện đi lại. Lũ nhóc học trò như một bầy con, quản tụi nó là mệt lắm rồi, nhưng trong cái mệt có cái vui khi thấy các em trưởng thành. Nhất là với người khuyết tật, tôi thấy họ vẫn còn chịu nhiều thiệt thòi.
* Nếu cần đóng góp cho những người có thẩm quyền làm luật, anh sẽ góp ý gì để người khuyết tật được đối xử công bằng hơn?
- Tôi thấy luật của nước ta chưa thống nhất và rõ ràng cả về đối tượng mồ côi và khuyết tật. Có nơi học sinh mồ côi được xem xét giảm 100%, nơi giảm 50%, có nơi lại không được giảm học phí. Đáng lẽ phải có một luật chung, mọi ngưới cứ căn cứ vào đó mà làm, sẽ không ai thắc mắc.
Việc miễn học phí thực hiện cũng không đơn giản. Khi vào học, dù đúng đối tượng vẫn phải đóng tiền đầy đủ trước, sau đó nộp tất cả giấy tờ về Sở Lao động - Thương binh - Xã hội của tỉnh và chờ có khi cả năm sau hoặc lâu hơn mới được giải quyết.
Mùa thi vừa qua, học trò của tôi có hai em khuyết tật, bị liệt cả tay chân đi thi Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Tôi xin cho hai em có thêm thời gian để bấm máy, thầy hiệu trưởng nói để xin ý kiến hội đồng thi, cuối cùng một vị thanh tra của Bộ trả lời rằng không có luật đó, mọi người đều
như nhau.
Ở Hướng Dương có em học trò khiếm thị, đi học không được phát sách chữ nổi mà phải tự đi mua. Bên ngoài bán một bộ sách giáo khoa chữ nổi có giá hơn ba triệu đồng, đắt hơn rất nhiều sách giáo khoa bình thường.
Như vậy mà nói giúp đỡ cho người khuyết tật có điều kiện học hành là giúp cái gì. Trong khi thực tế có bao nhiêu em khiếm thị học được hết cấp ba? Ở Việt Nam, tỷ lệ người khuyết tật có trình độ đại học, cao đẳng không quá 0,02%.
Tôi thấy nếu thật sự nghĩ tới người khuyết tật, hãy tạo điều kiện cho họ hòa nhập cuộc sống, học hành, làm việc đàng hoàng tốt hơn là việc cho tiền khiến họ dễ mặc cảm là gánh nặng của gia đình, xã hội.
Trừ trường hợp những em bị tật quá nặng thì phải giúp theo hướng khác, cần nơi chăm sóc. Xã hội ta hiện nay chỉ kêu gọi hình thức, hoặc làm qua loa chứ chưa có hiệu quả thiết thực trong việc giúp người khuyết tật.
*Ở Hướng Dương, anh giống thân “gà trống nuôi con” quá. Khi nào thì anh mới nghĩ đến mái ấm cho riêng mình?
- Chuyện tình cảm là duyên phận, tôi không có kế hoạch phải lập gia đình trong giai đoạn nào và với người nào.
Nói rồi anh ngâm nga “Ngày mai dẫu có ra sao nữa/ Mà có ra sao cũng chẳng sao” trong tiếng cười giòn tan, vỗ tay ầm trời của lũ học trò nghịch ngợm.
THU NGÂN thực hiện/DNSGCT
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét