=> Cây Đa nghìn tuổi & Đàn Quạ khoang vạn con tìm về họp chợ

Chuyện Kỳ Bí 

(PLO) - Ông Nguyễn Văn Thảo, SN 1943, là thủ từ của đình Trung ở xã Viên Nội kể lại một câu chuyện khó tin nhưng có thật về cây đa nghìn tuổi ở quê mình. 


Thần “mộc” khổng lồ canh cổng làng
Xã Viên Nội, thuộc huyện Ứng Hòa, nằm cách trung tâm thủ đô Hà Nội chỉ chừng 50km. Dọc theo đê tả sông Đáy, người dân dễ dàng nhìn thấy “thần đa” khổng lồ đứng bệ vệ ngay trên mặt đê thuộc địa phận thôn Tiền. Bóng cây to lớn, che rợp cả một vùng rộng lớn.

Phần vì tuổi cây dễ cũng từ vài trăm năm đến nghìn năm tuổi, phần khác cây đại thụ có dáng hình khổng lồ, thế cây oai vệ nên trở thành niềm kiêu hãnh của người dân Viên Nội từ bao đời nay.

Chẳng thế mà, một lão nông của Viên Nội, râu tóc đã bạc trắng như cước cho hay: “Từ lúc tôi sinh ra đã thấy cây đa sừng sững ở đó. Tôi hỏi ông bà, bố mẹ tôi, mọi người cũng đều bảo sinh ra đã thấy cây mọc cao lớn thế rồi. Bản thân tôi cũng đã đi nhiều nơi nhưng hiếm thấy nơi nào có cây đa nghìn tuổi “khổng lồ” như ở quê tôi.

Đường kính thân cây phải vài chục người ôm mới kín. Chiều cao của cây phải được 50-60m, có khi hơn. Những rễ phụ từ các cành đâm xuống cũng tạo thành những gốc lớn đến vài ba người ôm, có thể mắc võng để ngủ chưa. Chưa hết, quanh gốc cây còn tạo thành những hang hốc mà trẻ con có thể chui vào được. Những năm trước năm 1975, cây đa nghìn tuổi khổng lồ này còn là nơi họp chợ, trú ngụ của hàng ngàn, hàng vạn con quạ khoang…”.

Quả thật đúng như lời lão nông kể, từ đằng xa, chúng tôi đã thấy dáng cây oai vệ đứng sừng sững ngay mặt đê. Khi lại gần chỉ còn cách vài trăm mét, bóng dáng của đồng chí trưởng thôn Giang trở lên lọt thỏm giữa “thần mộc”, dù anh này thực tế cao hơn 1m70.

“Không ai biết rõ tuổi của thần mộc này vì không có sổ sách ghi chép lại. Nhưng người trong làng hay đồn nhau câu chuyện từ cách đây nhiều năm. Khi ấy, cạnh gốc đa có một bà cụ mở hàng nước chè.

Một dịp, có người khách vãng lai đi qua mới cho biết trong gia phả nhà họ có nhắc đến cây đa ở Viên Nội. Mà gia phả đó cách đây cũng phải năm, sáu trăm năm rồi. Dựa vào những thông tin đó nên ai cũng tin rằng thần mộc của làng phải có niên đại nghìn năm”, trưởng thôn Giang cho biết.

Những câu chuyện tâm linh khó lí giải
Được mệnh danh là “thần mộc” đại thụ canh giữ bình yên xóm làng, người dân thôn Tiền còn truyền tai nhau khá nhiều câu chuyện tâm linh khó lí giải.

Theo người làng, nếu như từ những năm 1975 trở về trước, cây đa là nơi người dân nghỉ chân che nắng che mưa sau những buổi cày đồng vất vả, nơi trẻ con đùa nghịch gọi nhau chơi những trò chơi dân gian… thì hiện giờ quanh gốc đa vắng vẻ, không một bóng người.

Một phần vì người dân không còn thói quen ra gốc đa ngồi hóng mát, phần khác là vì… sợ. Bà Nguyễn Thị Lệ (70 tuổi) cho biết: “Trẻ con trong làng đều bị phụ huynh cấm ra gốc đa chơi. Họ sợ trẻ con hiếu động nghịch ngợm, cho ra đó chơi lại leo trèo lên thần đa hay là ngắt cây, bẻ cành thì thần đa phạt. Nhẹ thì ốm đau, nặng thì gãy tay gãy chân rồi gặp xui rủi cả nhà”.


Trẻ con sợ là thế, người lớn cũng càng… nhút nhát. Năm 1975, trong lúc làm lại đê sông Đáy, lãnh đạo địa phương ra chỉ thị chặt bớt vài nhánh cây để mở rộng mặt đê. Nhưng cứ người nọ đùn người kia, không ai dám lại gần, dù chỉ là bứt một cái lá. Thành ra con đê bây giờ vẫn còn nằm gọn lỏn giữa gốc và nhánh của cây đa.

Chưa dừng lại ở đó, người dân làng Tiền còn bảo nhau rằng, cứ mỗi khi trời tối có việc phải đi qua “thần mộc”, họ lại nhìn thấy có những vầng sáng lấp lánh tỏa ra xung quanh cây, và giữa thân cây còn có những vệt sáng dài.

Người yếu bóng vía nhìn thấy thế là quay luôn về nhà hoặc đi đường khác. Người nào mạnh dạn, không tin chuyện ma quỷ nên cứ mặc nhiên đi qua. Nhưng khi đi ngang gốc đa, lại nghe thấy những tiếng nỉ non, ai oán khiến họ cũng phần nào run sợ, trống ngực đánh thình thịch.

Kinh sợ hơn, vào năm 1989, hôm ấy trời không mưa không gió, một cành đa rất to vẫn còn xanh tốt tự nhiên bị gãy rơi xuống đất. Thấy sự lạ, người dân không khỏi lo lắng. Cùng ngày, nhà hợp tác xã lại bị sụt nền, sập mái. Không mưa không gió gãy cành đa, người dân Viên Nội đinh ninh rằng sắp có biến lớn.

Y rằng, trong năm đó, quan địa phương không làm tròn bổn phận khiến dân phẫn nộ đâm đơn kiện lên trên. Sau khi điều tra rõ trắng đen, những tên quan tham trên đã bị cách chức hàng loạt.

Kí ức về hàng vạn con quạ khoang trú trên thần đa
Những câu chuyện đồn thổi khiến cây đa nghìn tuổi trở thành nỗi kinh sợ với người dân. Ông Nguyễn Văn Thảo, SN 1943, là thủ từ của đình Trung ở xã Viên Nội, cũng kể lại một câu chuyện khó tin nhưng có thật về cây đa nghìn tuổi ở quê mình.

Ông kể rằng: “Từ năm 1975 trở về trước, cây đa là nơi cư ngụ của loài quạ khoang. Qụa khoang là loài quạ hiếm, lông mượt và rất đẹp, quanh cổ có một dúm lông màu bạc. Cứ chiều đến, hàng nghìn, hàng vạn con bay về đậu kín cành. Chúng bay lượn rợp trời, kêu quang quác gọi nhau đến inh tai rồi sà xuống ăn hoa quả, rau màu của dân.

Thời Pháp, bọn lính bắn chết rất nhiều nhưng chúng vẫn không chịu đi. Thế mà chẳng hiểu sao từ năm 1975 trở lại đây, chúng bay đi đâu hết. Cả diều hâu cũng không còn làm tổ nữa”.

Cây đa nghìn tuổi đến nay vẫn phát triển rất xanh tươi. Hàng năm cây thay lá một lần, nhưng cũng thật kỳ lạ, cây chỉ thay lộc một nửa, thay xong hết nửa cây bên này thì nửa bên kia mới bắt đầu thay tiếp. Nhiều người thắc mắc, nghi ngờ gốc đa đại thụ là hai cây chập một nên mới có chuyện đó. Nhưng người dân trong làng phản bác lại ngay, khẳng định chắc chắn chỉ có một cây duy nhất mà thôi.

Nếu như ngày trước không một ai dám dựng nhà sống gần “cụ” đa, thì từ năm 2000, một hộ dân trong làng đã “liều lĩnh” ra dựng xưởng gỗ ở sát ngay gốc đa. Anh này cũng duy tâm, đặt một ban thờ ở ngay gốc đa nhưng làm ăn vẫn thất bát.

Cùng với cây đa nghìn tuổi ở thôn Tiền, ở thôn Giang còn có một chuyện hy hữu, mà người địa phương vẫn còn gọi vui là “Chuyện tình cây cọ - cây si”. Đó là cây cọ mọc trên đỉnh cây si. Cả hai cây này đều có tuổi đời vài trăm năm.

Tiếc là hai năm trở lại đây, mối tình cọ - si chỉ còn là truyền thuyết. Cây cọ không hiểu lí do vì sao mà cứ chết dần, chết mòn thành khô héo, để lại cây si lẻ loi đứng một mình với xác cọ khô héo.

Trao đổi về những thông tin mà người dân phản ánh, chủ tịch xã Viên Nội Nguyễn Mạnh Cường cho biết: “Năm đó, cành đa gãy, nhà hợp tác xã thì bị sụt lún, mái sập, người dân trong làng ai cũng bảo có chuyện lớn sắp xảy ra. Nhưng theo tôi, đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Còn những câu chuyện về tâm linh kể trên, chẳng qua là lời đồn thổi của những kẻ mê tín dị đoan, người dân không nên tin theo rồi dẫn đến những việc làm và lời nói không hay, ảnh hưởng đến người khác”./.

Mai Hiền

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét