=> Campuchia, nước xuất khẩu gạo sạch chất lượng cao hàng đầu thế giới

Gạo Campuchia 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới. (Ảnh: signaturesasia.com)

Trong khi gạo Việt Nam hầu hết xuất khẩu được sang các nước châu Á và châu Phi, thì gạo Campuchia lại xuất sang được cả những nước khó tính nhất là Mỹ, Nhật Bản, châu Âu.

Gạo nào ngon nhất thế giới?
Gạo Campuchia đã trở nên nổi tiếng thế giới bởi 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới.

Trong khi gạo Việt Nam chưa có được thương hiệu nào có chỗ đứng trên thế giới, thì Campuchia đã xây dựng được 8 thương hiệu gạo để trình làng vào Hội chợ Thương mại Lương thực vào năm 2014, gạo thơm Phka Romdoul hay còn được gọi là gạo lài của Campuchia được xếp hạng gạo ngon nhất thế giới, và đây cũng lần thứ 3 liên tiếp gạo Campuchia nhận được vinh dự này.

Gạo Campuchia. (Ảnh: orerbil.blogspot.com)

Gạo Campuchia được trồng như thế nào?
Để gạo được xuất khẩu sang những thị trường khó tính nhất, Campuchia cho người đến siêu thị lớn của các nước này nhằm nắm bắt nhu cầu, rồi đáp ứng nhu cầu đó bằng cách chú trọng vào chất lượng sản phảm nhằm đạt được tất cả những đòi hỏi khắt khe của người tiêu dùng Mỹ và châu Âu.

Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp Campuchia (CEDAC) đã đề ra chương trình làm gạo sạch chất lượng cao và lập tức nhận được nhiều sự tham gia giúp đỡ của các tổ chức phi lợi nhuận, nhằm có được sản phẩm thân thiện nhất với môi trường.

Người Campuchia gieo mạ theo phương cách truyền thống. (Ảnh: Facebook)

Trong khi ở Việt Nam hướng đến mục tiêu đạt sản lượng cao, thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nên tìm chọn giống lúa lai ghép để có sản lượng năng suất cao 5 đến 8 tấn/ha, rút ngắn thời gian canh tác sao cho giống đạt yêu cầu 3 tháng/vụ, một năm với 3 vụ mùa. Loại giống này ngắn ngày, năng suất cao nhưng chất lượng dinh dưỡng là rất thấp.

Campuchia làm lúa hướng đến sức khỏe người tiêu dùng, họ chọn loại giống lúa cổ truyền 6 tháng/vụ. Là giống lúa cổ truyền nên hương vị đậm đà giàu dinh dưỡng, khả năng kháng rầy rất cao, năng suất thấp chỉ bằng một nửa so với Việt Nam, chỉ 3 tấn/ha.

Ở Campuchia, giống lúa 6 tháng/vụ và một năm chỉ có 1 vụ mùa, 6 tháng còn lại đất sẽ được nghỉ ngơi, được bồi đắp tự nhiên bằng phù sa sông Cửu Long nhằm chuẩn bị vụ mùa vào năm sau.

Cấy giống lúa cho loại gạo ngon nhất thế giới.

Trong khi đó ở Việt Nam, đất được tận dụng một năm 3 vụ mùa, đất bị cạn kiệt chất dinh dưỡng thì dùng phân hóa học.

CEDAC đã quy hoạch vùng ruộng lúa sạch có chất lượng để xuất khẩu sang thị trường bậc cao Mỹ và châu Âu, các công đoạn làm lúa rất khắt khe đạt tiêu chuẩn Organic của Mỹ và tiêu chuẩn châu Âu, tuyệt đối không sử dụng hóa chất, phân vô cơ, thuốc trừ sâu; phân bón nơi đây hoàn toàn từ phân hữu cơ thân thiện với môi trường và sức khỏe.

Nhờ thế gạo Campuchia đạt chuẩn Hữu Cơ và được Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ (USDA) và tổ chức BCS Oko-Garantie của Đức cấp giấy chứng nhận chất lượng. Khi cấp giấy chứng nhận BCS, các chuyên gia của tổ chức này định kỳ đều đến Campuchia đề giám sát, kiểm tra quy trình sản xuất và sản phẩm mà họ đã cấp giấy chứng nhận.

Hiện nay rất nhiều các loại gạo hoàn toàn không lo bị mọt hay kiến, đó là do gạo đã được tẩm một lớp hóa chất nên mọt hay kiến cũng sợ mà không dám lại gần. Gạo sạch xuất khẩu của Campuchia không dùng hóa chất bảo quản, sản phẩm khi đóng thành phẩm được hút chân không, nên không độc hại và chất lượng cao.

Những điều trên đã giúp gạo Capuchia được chào đón ở Mỹ và châu Âu.

Cơm nấu từ gạo hữu cơ chất lượng cao này của Campuchia được khách hàng đánh giá là dù để nhiệt độ bình thường qua đêm không bị thiu do không bị nhiễm hóa chất. Ăn dễ tiêu hóa, nhẹ bụng lại no lâu hơn các gạo khác.

Gạo Campuchia khi đóng thành phẩm được hút chân không, nên không độc hại và chất lượng cao. (Ảnh: Facebook)

Xuất khẩu gạo của Campuchia
Về xuất khẩu gạo, Campuchia đi sau Việt Nam 15 năm, lại không chạy theo số lượng, nên sản lượng gạo xuất khẩu của Campuchia chỉ bằng 1/10 của Việt Nam. Thế nhưng, trong khi gạo Việt Nam chỉ xuất khẩu hầu hết sang các nước có thu nhập trung bình và thấp ở châu Á và châu Phi, thì gạo Campuchia đã đến được tới cả những nước khó tính nhất là Mỹ và châu Âu.

Gạo Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu hay hình ảnh có tiếng, bị lệ thuộc rất nhiều vào nước nhập khẩu, do gạo không có đặc điểm nổi bật nên có thể bị nước nhập khẩu thay thế.

Trong khi đó, Campuchia đã xây dựng được thương hiệu và hình ảnh của mình. Được các cơ quan kiểm định chất lượng gạo sạch nên dễ dàng xuất khẩu đến các nơi trên thế giới.

Chạy theo số lượng, Việt Nam từ vị trí xuất khẩu gạo nhiều số 1, số 2 thế giới, hiện nay không chỉ thua Thái Lan, mà thua cả Ấn Độ và Pakistan. Với việc hạn hán bất ổn của vựa lúa lớn nhất nước là Đồng bằng sông Cửu Long thì tương lai sản lượng gạo xuất khẩu còn thấp hơn nữa.

Sản lượng gạo của Campuchia dù chỉ bằng 1/10 Việt Nam, nhưng giá bán cao hơn hẳn. Gạo thơm Việt Nam có giá 650 – 670 USD/tấn, thì gạo Camphuchia là 890 USD/tấn, gạo sạch Organic là 1.475 USD/tấn.

Tính ra sản lượng gạo Campuchia thấp hơn Việt Nam do 1 năm chỉ một vụ, và giống lúa truyền thống chỉ cho sản lượng 3 tấn/ha, nhưng chi phí thấp do ít tốn kém về chi phí máy móc, phân bón, thuốc trừ sâu, cải tạo đất, tưới nước…, nên lợi nhuận nông dân Campuchia cũng ngang như nông dân Việt Nam, thế nhưng nông dân Campuchia lại nhàn hơn rất nhiều nên họ có thể kiếm thêm thu nhập từ các ngành nghề khác ngoài làm lúa.

Người Việt ăn gạo Campuchia
Dù Việt Nam có lượng gạo xuất khẩu cao trên thế giới, nhưng vẫn nhập gạo Campuchia.

Gạo Campchia vào Việt Nam nhiều nhất là ở chợ đầu mối Bà Đắc (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Người tiêu dùng phía nam rất thích gạo Campuchia với lượng gạo nhập về hàng ngàn tấn mỗi tháng. Gạo được đánh giá là mềm xốp, dễ tiêu, không sử dụng thuốc trừ sâu nên an toàn.

Để mua được gạo giá rẻ, nhiều người kinh doanh qua tận Campuchia mua lúa về xay xát rồi đem bán.

Phải chăng đã đến lúc Việt Nam cần nhìn nhận lại chính mình, và nhìn sang láng giềng Campuchia để học hỏi cách làm lúa của họ?

Ngọn Hải Đăng


Người Việt ăn gạo... Campuchia

26/11/2015 08:15 GMT+7


TT - Một số doanh nghiệp (DN) tại chợ đầu mối Bà Đắc (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cho biết gạo Campuchia đang được nhiều người tiêu dùng phía Nam ưa chuộng...
Nghe đọc bài: Người Việt ăn gạo... Campuchia
Người Việt ăn gạo... Campuchia
Gạo Móng Chim của Campuchia trong kho một doanh nghiệp ở chợ đầu mối Bà Đắc (Cái Bè, Tiền Giang) - Ảnh: V.Tr.
Gạo Campuchia đang được nhiều người tiêu dùng phía Nam ưa chuộng với lượng gạo cung cấp ra thị trường hàng ngàn tấn mỗi tháng.
Mặc dù mùi vị các loại gạo này chẳng có gì đặc biệt, nhưng các vựa gạo cho biết gạo Campuchia nở nhiều, mềm, cơm xốp nên được quán ăn chọn mua. Cũng có không ít người tiêu dùng khẳng định đây là loại gạo lúa mùa, ít sử dụng thuốc trừ sâu nên an toàn(?).
Vựa lúa ĐBSCL... nhập gạo Campuchia
Những ngày này hoạt động vận chuyển, mua bán gạo Campuchia ở chợ đầu mối Bà Đắc rất nhộn nhịp. Tàu chở gạo vô bao bì sẵn từ nơi khác cập bến liên tục. Nhân công bốc vác chuyển lên xe tải chở đi các tỉnh tiêu thụ hoặc chuyển vào các vựa gạo ở gần đó. Các loại gạo Campuchia phổ biến nhất là Sa Mơ, Sa Ri, Móng Chim và 
Sóc Miên.
Một ngày giữa tháng 11, khi chúng tôi có mặt tại DNTN Kiều Oanh - nơi chuyên bán gạo Campuchia quy mô lớn ở chợ đầu mối Bà Đắc, một số xe tải đang chuyển gạo đóng bao bì loại 
50kg/bao, có in chữ “Sa Mơ” vào kho.
Trong kho lúc này đang đầy ắp, khoảng vài trăm tấn gạo chờ giao cho bạn hàng. Anh Trung - chủ DNTN Kiều Oanh - cho biết trung bình mỗi tháng doanh nghiệp này giao cho bạn hàng ở các tỉnh miền Đông và TP.HCM chừng 500 tấn gạo Campuchia các loại.
“Tôi qua Campuchia mua lúa rồi chở về xay xát, đóng gói luôn chứ không qua trung gian nên giá thành rẻ, chất lượng đảm bảo” - anh Trung nói.
Bên kia cầu An Cư, cách đó chừng 200m là DNTN Tuấn Mỹ của chị Nguyễn Thị Tím cũng chuyên bán gạo Campuchia. Theo chị Tím, mỗi ngày doanh nghiệp này giao cho bạn hàng ở Bình Thuận, Ninh Thuận, TP.HCM... khoảng 10 tấn, trung bình mỗi tháng bán khoảng 300-400 tấn. Vựa của chị thường xuyên có ba loại gạo Campuchia gồm: Sa Mơ, Móng Chim, Sóc Miên.
Chị Tím cho biết đã mua lúa ở khu vực biên giới An Giang - Campuchia rồi chở về Tiền Giang xay gạo trước khi xuất bán đi khắp miền Nam. Mỗi lần đi Campuchia chị mua khoảng 100 tấn lúa về xay gạo bán, hết lại đi tiếp.
Hỏi lý do chỉ kinh doanh gạo Campuchia, chị Tím giải thích: “Lúa gạo Campuchia giá rất ổn định, không có chuyện rớt giá nên không sợ lỗ. Thị trường tiêu thụ gạo này ngày càng nhiều nên cũng yên tâm hơn kinh doanh lúa gạo trong nước”.
Cũng theo chị Tím, các doanh nghiệp sang Campuchia mua lúa về xay xát bán nên cũng tự đặt in bao bì ghi tên doanh nghiệp và thương hiệu gạo, chủ yếu là tên do doanh nghiệp Việt tự đặt.
Chẳng hạn gạo Sa Mơ có tên Campuchia là “Sóc Ka-đôn”, gạo Móng Chim (còn có tên khác là “Nhang Thơm”) người Campuchia gọi là “Gum”, còn gạo Sóc Miên thì chỉ là “Sóc”. Chữ Miên do thương lái thêm vào để người tiêu dùng biết đây là gạo Campuchia.
Anh Kiệt, một chủ nhà máy ở chợ đầu mối Bà Đắc, cho biết các loại gạo Campuchia nói trên là lúa mùa, mỗi năm chỉ sản xuất 1-2 vụ, năng suất rất thấp.
Tuy nhiên do đất đai trồng lúa ở Campuchia rộng lớn nên sản lượng cũng nhiều. Gạo này càng để lâu nấu càng nở, hạt ngắn, giống như “gạo ngang” của VN. Những người không thích ăn gạo dẻo, gạo thơm sẽ chọn gạo Campuchia hút hàng quanh năm.
Gạo sạch hay 
lợi nhuận cao?
Trao đổi với chúng tôi, chị Đỗ Thị Mùi - chủ hai đại lý gạo tại Phan Thiết - cho biết cứ 1-2 ngày chị đến chợ đầu mối Bà Đắc mua một xe gạo, phân nửa là gạo Campuchia bán cho người dân Bình Thuận, còn lại là gạo thơm bán cho thị trường Hà Nội.
Theo chị Mùi, nhiều năm nay người dân tại Bình Thuận bắt đầu ăn gạo Campuchia, chủ yếu là Sa Mơ và Móng Chim, nên chị phải vào tận Tiền Giang để mua hàng.
“Phần lớn các quán cơm và người dân lao động thích ăn gạo Campuchia do gạo nấu nở, mềm, xốp, dễ ăn, dễ tiêu hóa” - chị Mùi nói. Anh Chín - một thương lái ở TP.HCM, cũng là khách hàng thân thiết của vựa gạo chị Tím - cho biết gạo Campuchia được các tiệm cơm bình dân và người lao động ở TP.HCM ưa chuộng cũng với lý do tương tự.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay tại vùng lúa bạt ngàn Mộc Hóa và thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An) cũng tràn ngập gạo Campuchia.
Tất cả các đại lý, quầy gạo ở đây đều bán gạo Móng Chim, Sa Mơ, Huyết Rồng với sản lượng lớn, giá bán cao hơn ở chợ đầu mối Bà Đắc khoảng 2.000-3.000 đồng/kg. Bà Nguyễn Thị Kiều Nga, đại lý gạo Năm Nga ở thị xã Kiến Tường, khẳng định nhiều người dân tại khu vực này đều mua gạo Campuchia để ăn. “Gạo Campuchia là lúa mùa, không xịt thuốc nên yên tâm hơn” - bà Nga giải thích.
Một số người dân tại thị xã Kiến Tường cũng cho biết mỗi khi có nhu cầu, chỉ cần gọi điện cho thương lái người Campuchia, gạo sẽ được chở qua giao tận nơi, mỗi lần một bao 40-50kg với giá rẻ hơn và không lo bị trộn. Ông Trương Khen, một tiểu thương chợ thị xã Kiến Tường, cũng cho rằng gạo Campuchia làm từ lúa mùa, “ít sâu bệnh, ít phun xịt thuốc, cơm xốp, dễ ăn”.
Trong khi đó, phần lớn tiệm cơm tại Long An, Tiền Giang... thừa nhận đang sử dụng gạo Campuchia với lý do gạo rất nở nên có lời nhiều hơn so với nấu bằng gạo VN. Một số chủ tiệm cơm cho biết nhiều thực khách không thích ăn cơm gạo dẻo mà chỉ chọn cơm xốp nấu từ gạo Campuchia.
Gạo lúa mùa “sạch” hơn 
gạo cao sản
GS.TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia về lúa gạo, khẳng định có một bộ phận không nhỏ người dân VN đang ăn gạo Campuchia bởi vì đó là gạo lúa mùa, loại lúa ít sử dụng thuốc trừ sâu nên “sạch” hơn, an toàn hơn lúa cao sản. “Nhiều cán bộ ở các tỉnh giáp với Campuchia từng nói với tôi rằng đã chọn gạo lúa mùa của Thái Lan và Campuchia vì lý do an toàn.
Từ chuyện này chúng ta mới thấy tầm quan trọng của việc sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP. Xã hội càng phát triển, nhu cầu của con người càng tăng. Bây giờ người ta ăn để thưởng thức, ăn vì sức khỏe chứ không phải ăn để sống như 
ngày xưa”.
Ông Lê Văn Bảnh (cục phó Cục Chế biến nông lâm thủy sản 
và nghề muối - Bộ NN&PTNT):
Bài học xây dựng thương hiệu
Tôi cũng nghe nói gạo Campuchia đang chiếm một thị phần không nhỏ ở thị trường nội địa VN. Khi hỏi các đại lý bán gạo Campuchia, họ bảo nghe thương lái nói đó là gạo Sa Mơ, Móng Chim... thì nói lại với khách hàng chứ họ không biết. Thực chất không có gì chắc chắn đó là gạo Campuchia 100%, có thể chỉ một phần và được trộn với gạo VN.
Việc trộn gạo Campuchia với gạo VN là hoàn toàn có thể vì giá gạo Campuchia cao hơn nhiều, người ta sẽ thu được lãi cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng nên xem lại việc xây dựng thương hiệu gạo của mình. Vì sao người Việt biết tên, nhớ tên để tìm mua gạo Campuchia mà không mua gạo của mình, trong khi gạo của mình đâu có dở.
VÂN TRƯỜNG (vantruong@tuoitre.com.vn



Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét