Bồng bồng, cum cúm... là tên mà người dân Lý Sơn đặt cho rong sụn biển. Còn tên khoa học của nó là Kappaphicus alvarezii, thuộc ngành rong đỏ (Rhodophyta). Bồng bồng phân bố ở nhiều vùng biển, đảo nước ta. Riêng ở vùng biển Lý Sơn, bồng bồng mọc chủ yếu ở khu vực rạng đá ngầm cách bờ 300-700m.
Qua quan sát thì bồng bồng có hình dáng như nhánh san hô nhưng kích cỡ của các nhánh chỉ to cỡ đầu que nhang còn phần gốc to hơn, với khá nhiều màu như xanh nhạt ở gốc, trắng đục ở phần đầu... Chiều cao của cây bồng bồng khoảng 20cm.
"Không phải đến gần đây, mà từ thời tám hoánh rong sụn đã được người dân trên đảo xem là một loại rau biển đầy bổ dưỡng nên tìm hái để mang về chế biến làm thức ăn trong gia đình", nhiều bậc cao niên Lý Sơn kể.
Nhiều tài liệu khoa học cũng đã chứng minh được rằng, bồng bồng rất giàu dưỡng chất, ngoài thành phần đạm còn chứa đến hơn 90 loại khoáng chất khác nhau.
Đặc biệt hàm lượng sinh tố A của bồng bồng cao gấp 2 – 3 lần so với cà rốt, gấp 10 lần trong bơ, hàm lượng canxi cao gấp 3 lần so với sữa bò, vitamin B2 cao gấp 4 lần trong trứng... Vì vậy, bồng bồng khi chế biến làm thức ăn tạo sự dẻo dai, khỏe mạnh về thể chất và tinh thần cho con người.
Bồng bồng được người dân trên đảo bày bán cùng với các sản vật khác.
Dù vô cùng bổ dưỡng, thế nhưng bồng bồng có giá khá rẻ
Dù giá trị dinh dưỡng cao như vậy, thế nhưng giá bồng bồng được người dân đảo Lý Sơn khai thác và bày bán tại đảo khá rẻ. Theo đó với loại xô (chưa lựa bỏ tạp chất) khoảng 60.000 đồng/kg tươi; còn loại được lựa sạch gần 100.000 đồng/kg tươi.
Chính vì khá rẻ nhưng chế biến được khá nhiều món ăn ngon, lạ miệng cho nên hiện bồng bồng được người tiêu dùng rất ưa chuộng và trở thành sản vật được nhiều người, đặc biệt là du khách trong Nam ngoài Bắc tìm mua mang về làm quà biếu, chế biến cho gia đình khi có dịp ra đảo Lý Sơn.
Công Xuân
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét