- Ông Phạm Công Hùng cho rằng tước bỏ quyền kiểm tra của dân là sai.
Nói về phát ngôn “Người dân không có quyền kiểm tra kế hoạch vi phạm của CSGT” của thiếu tướng Trần Sơn Hà (Cục trưởng cục CSGT, Bộ Công an), ông Phạm Công Hùng, nguyên thẩm phán TAND Tối cao khẳng định phát biểu của vị lãnh đạo như vậy là loại bỏ quyền kiểm soát của nhân dân đối với các cơ quan nhà nước.
Theo ông Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” để nói về vai trò của người dân trong việc giám sát, kiểm tra mọi vấn đề của đất nước. Ngay cả ĐBQH, ĐB HĐND khi họp xong còn phải về báo cáo với dân để dân kiểm soát, dân chất vấn.
Ông Phạm Công Hùng cho rằng tước bỏ quyền kiểm tra của dân là sai cả tinh thần Đảng, sai cả hiến pháp, sai cả luật. Ảnh minh họa
“Vậy tại sao người dân lại không được quyền kiểm tra đối với CSGT? Trong khi, một sự thực đau đớn hiện nay là người dân phản ánh nhiều về sự tiêu cực của CSGT'', ông Hùng đặt câu hỏi.
Ngoài ra, nguyên thẩm phán TAND Tối cao cho rằng, bình thường không người dân nào tự tiện yêu cầu kiểm tra CSGT cả. Chỉ khi họ vi phạm hoặc thấy những điều bất hợp lý, thấy có dấu hiệu gây khó dễ mới yêu cầu CSGT cho kiểm tra.
“Kiểm tra buộc CSGT làm cái này, cái kia thì người dân không có quyền đó. Và thực ra cũng không ai làm cái đó cả. Nhưng khi thấy CSGT có một việc làm sai, người dân chụp hình, chụp ảnh, chất vấn và yêu cầu họ trả lời, chứng minh các lỗi vi phạm.
Nghĩa là, kiểm tra ở đây là khi CSGT làm sai, tôi phản ánh và yêu cầu anh chứng minh việc anh làm đúng hay không đúng. Tất cả các hành vi của công chức, của cán bộ đều phải chịu sự giám sát của nhân dân”, ông Hùng nhấn mạnh.
Kiểm tra và giám sát khác nhau
Nói rõ hơn về các quyền của người dân, ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa hình sự TAND Tối cao khẳng định kiểm tra và giám sát là 2 cái khác nhau. Ở đây giám sát là kiểm tra nhưng kiểm tra hẹp hơn giám sát.
“Việc giám sát thì tất cả mọi người cùng tham gia nhưng khi có vấn đề gì đó thì phải báo cáo cho bên tổ chức của mình như hội nông dân, thanh niên… xem xét. Còn kiểm tra thì phải có đoàn đi kiểm tra. Giám sát thì rộng hơn so với kiểm tra”, ông Quế nhấn mạnh.
Trước phát ngôn của Cục trưởng Cảnh sát giao thông “Người dân không có quyền kiểm tra kế hoạch vi phạm của CSGT”, ông Quế cho rằng nhận định trên là đúng.
Ông giải thích chi tiết hơn: “Người dân đang đi ngoài đường mà đòi kiểm tra kế hoạch của CSGT thì làm gì được. Kế hoạch nội bộ của CSGT thì làm sao mà tiết lộ được. Ai cũng đi ra ngoài đường và yêu cầu CSGT cho biết kế hoạch công tác của mình như vậy là không đúng.
Người dân có quyền giám sát nhưng quyền kiểm tra thì không. Giám sát qua tổ chức của mình, chủ yếu là mặt trận. Toàn dân có quyền quay phim, chụp ảnh, giám sát CSGT nhưng đến khi muốn ý kiến thì phải báo cho tổ chức của mình, hội nông dân, thanh niên… xem xét”.
Hoàng Hải
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét