Trong chiều dài lịch sử hàng ngàn năm của nước ta, trải qua biết bao triều đại, vật đổi sao dời. Nhưng cứ nghiệm ra, thì thấy có những quy luật lịch sử muôn đời hẳn đúng nếu “nhìn lại lịch sử”. Trải từ thời Hùng Vương dựng nước cho đến triều nhà Nguyễn thôi, cứ mỗi khi ở triều đại nào, vua quan có tư tưởng ăn chơi, hưởng lạc, thì đã dự báo cho sự đi xuống, thoái trào của triều đại, dòng họ ấy, và kết quả cuối cùng được báo trước. Đó là sụp đổ.
Đời vua Hùng cuối cùng, ngôi vua mất vì đâu? Việc vẫn còn rành rành trong sử cũ. Vua cuối cùng của nước Văn Lang, như Việt giám thông khảo tổng luận cho hay “đức kém, lười chính sự, bỏ sửa sang vũ bị, ham mê tửu sắc làm vui, binh nước Thục vừa đến thì quốc thống bèn mất”. So với các đời vua Hùng trước đó trị nước, đâu có đam mê hưởng lạc đến thế. Cũng sách này cho hay, các đời vua Hùng “chăm ban đức huệ để vỗ yên dân, chuyên nghề làm ruộng, chăn tằm, không lo can qua chinh chiến”… “buộc nút dây làm chính sự, dân không gian dối, có thể thấy được phong tục thuần hậu quê mùa vậy”. Ấy, công nghiệp của tổ tiên chăm lo vun đắp cho nước nhà cường thịnh, nhưng con cháu tiếp nối lại không lo giữ gìn, phát triển được thế, mà lấy sự lạc thú làm vui.
Sự sụp đổ của nước Văn Lang, xem trong Đại Việt sử ký toàn thư, hẳn thấy rõ hơn cái nguyên cớ vì đâu. Thời trị vì của vị vua Hùng cuối cùng (ở đây chúng tôi không mặc định vua Hùng thứ 18, bởi con số ấy, thực tế chỉ là ước lượng mà thôi), Thục Phán nhiều lần đem quân đến đánh, nhưng như Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, vua Hùng có binh hùng tướng mạnh, nên Thục Phán thua luôn. Cũng bởi thế, vua Hùng tự cao tự đắc không phòng bị, chỉ ham ăn uống vui chơi. Sự khinh địch thể hiện rõ như thế, thất bại là nhãn tiền rồi, chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Vì vậy, sau này quân Thục Phán kéo đến nơi tấn công, quân của vua thua rồi mà Hùng Vương “hãy còn say mềm chưa tỉnh, rồi thổ huyết nhảy xuống giếng chết, quân lính quay giáo đầu hàng Thục Vương”. Chứng cứ trong sử cũ, rõ là vua Hùng chết không chỉ vì sự chủ quan khinh địch, mà đồng thời, ngai vàng rơi vào tay họ Thục, do vua chỉ lo an hưởng lạc thú mà bỏ bê chính sự, chẳng biết lo cho miếng cơm manh áo của dân lành.
Bài học về sự sụp đổ ngai vàng ngay từ thuở cha ông dựng nước đầu tiên đã có, nhưng hậu thế, cứ thế mà theo vết xe đổ của tiền nhân, bài học xưa có thể biết, nhưng kẻ học có chịu đúc rút để thực hành hay không lại là chuyện khác. Vậy nên, tì vết của tư tưởng hưởng lạc và kết quả của sự kết thúc ngai vàng triều đại thường nối nhau mà diễn ra. Sử nước thời xưa thì sách chép đã nhiều, người viết không dẫn cho đủ làm gì nhọc sức, chỉ xin lấy thêm vài chứng cứ làm bằng mà chứng minh cho nội dung bài viết muốn hướng đến vậy thôi.
Nhà Lý là một triều đại sáng chói trong lịch sử nước nhà. Tiếc thay, từ đời Thái Tổ đến đời Anh Tông (1138 - 1175), nước nhà còn thịnh trị. Nhưng sự xuống dốc bắt đầu hiển hiện rõ rệt từ thời vua Lý Cao Tông (1175 - 1210). Nguyên do đâu? Cứ xem những việc làm của vua, ta suy ra chẳng khó. Mà sướng cho vua, lại cơ khổ cho dân, vì vua toàn lo việc chơi bời cả đấy, như Việt sử mông học chép:
Về sau bè phái nịnh,
Lại được dịp nổi lên.
Tuần du không biết chán,
Chính sự lại suy hèn.
Cũng sách này viết “Sau khi Hiến Thành mất, vua trở nên dâm đãng, trời oán, người giận, tai ương đến nhiều”… “càng dốc sức vào việc xây dựng cung điện. Nhân dân rất khổ”… “Vua tiêu dùng nhiều, mọi bầy tôi thì bán tước quan, cho chuộc việc hình ngục. Bấy giờ vua có nhiều bọn được nuông chiều ban nhiều ơn huệ, ngày đêm chỉ yên vui, không thiết gì đến việc triều chính, ngoài thành có giặc cướp, vua vờ như không biết”. Đấy, thân làm kẻ chăm dân, nhưng lại bòn rút tiền của bách tính để phục vụ nhu cầu riêng của mình. Nên sau đó loạn Quách Bốc, Đoàn Thượng nổi lên, giặc cướp khắp nơi, nhà Lý suy vi từ đó và ngai vàng sang tay nhà Trần, đó chẳng do mệnh trời, mà do chính kẻ trị nước đấy thôi.
Lại đơn cử như nhà Lê sơ (1428 - 1527), được ca dao ngợi ca cảnh thái bình thịnh trị buổi đầu:
Đời vua Thái Tổ, Thái Tông,
Thóc lúa đầy đồng trâu chẳng thèm ăn.
Tiếng âu ca khắp nơi vang vọng, vua sáng tôi hiền, biết bao chính sách an dân được thực hiện, nên trong 100 năm tồn tại, thì ¾ thời gian là sự thịnh vượng. Nhưng hãy xem, bước sang đầu thế kỷ 16, do đâu nhà Lê đi xuống và ngai vàng sang tay họ Mạc? Thủ phạm đâu xa, “vua quỷ” Lê Uy Mục (1505 - 1509) như miêu tả của Việt sử tân biên thì “rất tàn ác, say mê tửu sắc”… “tính hung bạo và vô đạo của Uy Mục khiến nhân dân bất phục, vì vậy xẩy ra nhiều giặc dã, trộm cướp”, còn vua tiếp theo Lê Tương Dực (1510 - 1516) thì “còn xa xỉ và đàng điếm hơn. Mực sống của dân chúng đang bốc cao dưới đời các vua trước bắt đầu ngừng trệ, kho tàng nhà nước khô cạn dần”, vua thì xây Cửu trùng đài, điện 100 nóc khiến “quân dân nhật dạ làm luôn mấy năm không xong, hao tốn tiền của và sinh mạng rất nhiều”. Nhà Lê sơ đi xuống từ đó và chẳng bao lâu sau, bệ rồng chuyển chủ là thế.
Các triều đại khác như nhà Trần từ thời Dụ Tông (1341 - 1369) ham xây cung điện, thích đánh bạc, bỏ bê chính sự… mà triều đại đi vào buổi mạt vận. Hay thời chúa Trịnh từ thời Trịnh Giang (1729 - 1740) tin dùng hoạn quan, lo hưởng lạc thú, chẳng màng triều chính… cũng dẫn đến chính sự thời Lê – Trịnh dần đi vào buổi hoàng hôn…
Nhớ xưa, quan Hành khiển Nguyễn Trãi trong bài thơ Quan hải (Cửa biển) từng có câu “Phúc chu thủy tín dân do thủy”, nghĩa là lật thuyền mới biết dân là nước. Rõ là, câu nói muôn đời mãi không sai, dân như nước, đẩy thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân. Tư tưởng Khổng Mạnh đã đi vào quá vãng, nhưng nguyên tắc trị nước từ Nho gia thì có lẽ vẫn đúng với mọi thời: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (Dân là quý, sau rồi đến xã tắc, vua là nhẹ nhất).
Dân, luôn là quý nhất. Sức mạnh của lòng dân, thì chẳng thế lực nào đẩy lùi nổi. Dựa vào dân, tất thắng. Xa dân, chỉ lo ăn chơi, hưởng lạc bởi lợi ích vị thân, sụp đổ nhãn tiền!
Trần Đình Ba
關海
樁木重重海浪前,
沉江鐵鎖亦徒然。
覆舟始信民猶水,
恃險難憑命在天。
禍福有媒非一日,
英雄遺恨幾千年。
乾坤今古無窮意,
卻在滄浪遠樹煙。
Quan Hải
Thung mộc trùng trùng hải lãng tiền,
Trầm giang thiết toả diệc đồ nhiên.
Phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ,
Thị hiểm nan bằng mệnh tại thiên.
Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật,
Anh hùng di hận kỉ thiên niên.
Kiền khôn kim cổ vô cùng y,
Khước tại Thương Lang viễn thụ yên.
Dịch nghĩa
Cọc gỗ lớp lớp trồng trước sóng biển
Xích sắt cũng được trầm dưới nước để phong toả như thế
Thuyền có bị lật mới biết rằng dân chẳng khác gì nước
Cậy vào địa thế hiểm trở cũng khó bằng mệnh trời
Họa phúc đều có duyên do, đâu phải chỉ một ngày
Anh hùng để lại mối hận nghìn năm
Xưa nay ý trời đất thì vô cùng tận
Lui về chốn cây cỏ mây trời ở đất Thương Lang xa xôi.
(Bài này nói về Hồ Quý Ly chống Minh giỏi nhưng không được dân ủng hộ, do đấy cuối cùng phải thất bại)
Bản dịch của Hưởng Triều
Lớp lớp cọc ngăn giữa sóng nhồi,
Thêm ngầm dây sắt, uổng công thôi.
Lật thuyền, thấm thía: dân như nước,
Cậy hiểm mong manh: mệnh ở trời.
Họa phúc có nguồn, đâu bỗng chốc?
Anh hùng để hận, dễ gì nguôi?
Xưa, nay, trời đất vô cùng ý,
Nơi sóng xanh cây khói tuyệt trời...
Bản dịch của Han Si Nguyen
Sóng biển mênh mang cọc điệp trùng
Ngăn sông xích sắt luống toi công
Lật thuyền mới biết dân như nước
Cậy hiểm không xong trách Hoá công
Hoạ phúc phải đâu trong phút chốc
Anh hùng ôm hận với non sông
Ý dân muôn thuở là thiên ý
Khói toả cây xa sóng chập chùng
------
Chập chùng sóng bạc khói chơi vơi
Dân ý xưa nay vốn ý trời
Tráng sĩ thiên thu đành nuốt hận
Sơn hà chìm đắm lỗi nơi ai ?
Lật thuyền chớ trách trời quay mặt
Cậy hiểm sao bằng nước chảy xuôi
Cọc gỗ trùng trùng, trơ sóng biển
Chăng sông xích sắt, chỉ mua cười!
Bản dịch của Lê Cao Phan
Cọc đóng trùng trùng trước sóng khơi
Lại ngầm lưới sắt bủa nơi nơi
Đắm thuyền biết hẳn dân như nước
Dựa hiểm bằng đâu mệnh tại trời
Phúc họa chẳng thành do một buổi
Anh hùng lưu hận mãi muôn đời
Xưa nay vẫn ý càn khôn ấy
Cây khói trời Thương trở lại thôi.
Bản dịch của nhóm Đào Duy Anh
Lớp lớp rào lim ngăn sóng biển,
Khoá sông xích sắt cũng vầy thôi.
Lật thuyền mới rõ dân như nước,
Cậy hiểm khôn xoay mệnh ở trời.
Hoạ phúc gây mầm không một chốc,
Anh hùng để hận mấy trăm đời.
Vô cùng trời đất gương kim cổ,
Cây khói xa mù bát ngát khơi.
(Nguồn: Nguyễn Trãi toàn tập, Đào Duy Anh, NXB Khoa học xã hội, 1976)
Bản dịch của Trương Việt Linh
Sóng khơi cọc đóng trùng trùng,
Lại thêm lưới sắt giữa dòng bủa ngăn.
Lật thuyền nước cũng như dân,
Dựa vào đất hiểm người không bằng trời.
Anh hùng lưu hận muôn đời,
Nên hư đâu phải một ngày mà ra.
Đất trời man mác bao la,
Thương Lang cây khói chốn xa hãy về.
Bản dịch của Nguyễn Văn Dũng Vicar
Trước sóng biển giăng cọc trùng trùng
Khoá sắt chìm sông,cũng uổng công
Lật thuyền mới tin dân như nước
Cậy hiểm khó nhờ mệnh thiên không
Hoạ phúc duyên do đâu bỗng nổi
Anh hùng ôm hận mấy ngàn năm
Xưa nay ý trời vô cùng tận
Thương Lang mây rừng, ẩn xa xăm
Bản dịch của Khương Hữu Dụng
Cọc gỗ từng từng chắn biển Đông,
Sông ngầm xích sắt cũng hoài công!
Dân như nước đó, thuyền hay lật,
Mệnh ở trời kia hiểm khó phòng!
Đâu bỗng chốc gây mầm hoạ phúc,
Mấy ngàn năm để hận anh hùng!
Xưa nay trời đất vô cùng ý:
Nước thẳm, cây xa, khói mịt mùng...
(Nguồn: Tuyển tập Khương Hữu Dụng (Phần thơ dịch), NXB Văn học, 2007)
Bản dịch của Bùi Hạnh Cẩn
Cọc gỗ trùng trùng trước sóng khơi,
Ngang sông khoá sắt uổng mà thôi.
Lật thuyền mới biết dân là nước,
Cậy hiểm khôn xoay mệnh tại trời.
Hoạ phúc có nguồn đâu một buổi,
Anh hùng để hận mấy nghìn đời.
Càn khôn nay trước vô cùng ý,
Lại ở khơi xa cây khói vời.
http://www.thivien.net
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét