TTCT - Quốc tịch giờ đã là một món hàng có thể mua bán dễ dàng, điều không có gì phải ầm ĩ bởi lẽ xét cho cùng, ý niệm công dân, không giống như dân tộc, rốt cuộc chỉ là nhân tạo.
"Một vùng đất, ngoài ý nghĩa chính trị còn mang các yếu tố lịch sử, văn hóa và chủng tộc, vốn rất thiêng liêng với những người bản địa, nhưng nếu đã trở thành một phần của một hợp đồng kinh tế thì cũng chỉ tương đương một món hàng".
Những món hàng đặc biệt
“Ồ! Ồ! Nam Kỳ! Đó thật là một miếng béo bở với chúng tôi. Nhưng chúng tôi không đủ giàu để duy trì thứ xa xỉ như một thuộc địa” - Otto von Bismarck, thủ tướng Phổ, nói với nước Pháp năm 1871. Đó là tháng 5-1871, trên bàn đàm phán của Hiệp định Frankfurt.
Sau cuộc chiến tranh chóng vánh Pháp - Phổ, nước Pháp thua trận nặng nề và đứng trước yêu sách cay đắng của thủ tướng Von Bismarck: nhượng lại vùng Alsace-Lorraine để đế chế Đức mới thành lập làm tiền đồn của họ.
Alsace-Lorraine khi đó là một vùng rộng tới 1,4 triệu ha, với 1.694 ngôi làng và gần 1,6 triệu dân. Đặc biệt, khu vực này chiếm tới 20% trữ lượng khoáng sản (quặng sắt, than) của nước Pháp. Mất Alsace-Lorraine là quá khó chấp nhận. Đó là chưa kể 5 tỉ đồng vàng chiến phí mà Pháp phải thanh toán với tư cách nước thua trận.
Họ đề xuất với Bismarck một giải pháp khác: nhượng lại cho Đức thuộc địa trù phú ở vùng Viễn Đông, Nam Kỳ, hay Cochinchina, vùng đất Pháp vừa chiếm được một thập kỷ trước. Nhưng trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, Bismarck không thích các thuộc địa.
Ông cho rằng người Đức, với vị thế kẹp giữa hai đế quốc mạnh là Pháp và Nga, không có điều kiện để duy trì thuộc địa. Phổ chỉ có vài thuộc địa ở châu Phi, ít hơn hẳn so với các cường quốc châu Âu khác.
Chính triết lý ấy đã giúp Bismarck đánh bại những người Pháp: trong khi quá nửa quân Pháp đang phải làm nhiệm vụ tại các thuộc địa ở châu Phi và Viễn Đông thì Đức có thể huy động toàn bộ quân lực để chiến đấu tại châu Âu. Với vùng Alsace-Lorraine, Đức còn có động cơ khác ngoài các lợi ích vật chất, bởi đây là vùng đất với cộng đồng người nói tiếng Đức rất lớn.
Cuối cùng thì Bismarck lấy Alsace-Lorraine, và phải tới tận năm 1918, sau khi Đức thua trận trong Thế chiến thứ nhất, dưới sức ép của Mỹ, Pháp mới đòi lại được vùng đất này.
Đã từng có thời các vùng lãnh thổ được mua bán, đổi chác một cách dễ dàng như vậy. Tình trạng đó cũng mới chỉ vãn đi từ đầu thế kỷ trước, khi chủ nghĩa thực dân bị xô đổ.
“Nhượng địa” (cession) là một khái niệm phổ biến và hoàn toàn hợp pháp trong công pháp quốc tế, để chỉ những vùng đất được chuyển giao theo hiệp ước chính thức giữa hai nhà nước, vĩnh viễn hoặc có thời hạn.
Có hai nguyên nhân phổ biến: một hiệp ước để chấm dứt chiến tranh, như trong trường hợp Nam Kỳ (suýt) được san nhượng cho người Đức; hoặc thông qua hợp đồng mua bán.
Alaska có lẽ là vùng đất nổi tiếng nhất được san nhượng thông qua mua bán. Alaska là lãnh thổ chủ quyền của Nga từ thế kỷ 17. Nhưng đến cuối thế kỷ 19, người Nga nhận thấy vùng đất này rất khó phòng thủ: nếu đế quốc Anh quyết định gây chiến tranh, đây sẽ là nơi bị chiếm dễ dàng nhất. Cộng thêm tình hình khó khăn tài chính, Sa hoàng Alexander II quyết định bán Alaska.
Và nước Mỹ trở thành người mua. Thời đó, theo các nhà sử học, dư luận Mỹ cũng cực kỳ chia rẽ: một nhóm báo chí phản đối quyết liệt việc này khi tin rằng “tiền thuế của người dân bị phung phí vào việc mua một chuồng gấu Bắc Cực”; nhóm kia lại tin rằng Alaska sẽ mang lại cho họ cả lợi ích kinh tế lẫn ngoại giao, bởi mối quan hệ với Nga thời đó rất quan trọng.
Cuối cùng, ngày 30-3-1867, Mỹ chính thức sở hữu Alaska với giá 7,2 triệu USD, tức 4,24 USD/km2. Cho đến nay, có lẽ không còn ai tranh cãi về quyết định này nữa.
Cần làm một phép so sánh nhỏ: chiến phí mà Pháp phải bồi thường cho Phổ sau chiến tranh năm 1871 là 5 tỉ franc, tương đương hơn 900 triệu USD theo thời giá cuối thế kỷ 19.
Một vùng đất rộng lớn như Alaska được bán vĩnh viễn chỉ với 7,2 triệu USD, cho thấy thời đó việc “bán nước” không chỉ là quá thường, mà giá bán còn có thể rẻ tới bèo bọt. Nhiều vùng đất thuộc nước Mỹ ngày nay đến sau một thỏa thuận mua bán.
Tiêu biểu là vùng Louisiana được Mỹ mua từ tay Pháp vào năm 1803 với giá 68 triệu franc (tương đương khoảng 500 triệu USD năm 2016), ngày nay vùng đất đó là 15 bang của Hoa Kỳ.
Nếu ai đã từng đọc A matter of honour (tạm dịch: Vấn đề thể diện) của Jeffrey Archer, chính trị gia và tiểu thuyết gia danh tiếng người Anh, sẽ hiểu rằng việc mua bán một vùng lãnh thổ đơn giản tới mức độ nào.
Trong sách, Archer đặt ra giả thiết Sa hoàng Alexander II đã “thòng” một điều kiện rằng nước Nga có thể lấy lại Alaska vào năm 1966, tức 99 năm sau khi bán.
Thỏa ước này được ghi trong một văn bản giấu ở Cung điện Mùa Đông, và nếu tìm lại được văn bản này, Matxcơva chỉ cần chồng đủ tiền chuộc thì Mỹ sẽ mất Alaska. Cuốn sách kể về hành trình giả tưởng đi tìm lại văn bản chuộc đất giữa các điệp viên Nga và Mỹ.
Dù là tiểu thuyết, nhưng trong sách, Alaska với hàng ngàn năm lịch sử của những thổ dân châu Mỹ hiện lên hoàn toàn như một món hàng mà số phận được định đoạt bằng một tờ khế ước viết tay, phản ánh đúng tính chất của việc mua - bán vùng đất này trong lịch sử.
Một giải pháp chính trị
Việc bán các thuộc địa giữa những đế quốc, các mảnh đất vốn được xác lập chủ quyền bởi chiếm đóng, tất nhiên sẽ dễ dàng hơn việc tự cắt một mảnh đất có chủ quyền lịch sử, tức có gắn bó về cả mặt lịch sử, văn hóa, chủng tộc với một quốc gia.
Nhưng trên thực tế, thỉnh thoảng có những nước vẫn làm như vậy để giải quyết vấn đề chính trị trước mắt. Trung Quốc đã hơn một lần nhượng đất để đổi lấy hòa bình. Đảo Hong Kong đã được nhượng lại cho đế quốc Anh vào năm 1841, sau khi nhà Thanh thua trận trong Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất; nối tiếp là các đảo Cửu Long (1860) và bán đảo Tân Giới (1898), tạo thành lãnh thổ của đặc khu kinh tế Hong Kong ngày nay.
Hong Kong chỉ quay về với Trung Quốc sau Tuyên bố Anh - Trung năm 1984, rồi nữ hoàng Anh trả lại vùng đất này cho Bắc Kinh vào năm 1997.
Sau Thế chiến thứ hai, các vùng lãnh thổ thường được “sang tên đổi chủ” vì mục tiêu chính trị nhiều hơn mục tiêu kinh tế. Năm 1975, người dân Vương quốc Sikkim chấp nhận trở thành một phần của Ấn Độ sau trưng cầu ý dân.
Sikkim đã không chịu gia nhập Ấn Độ sau khi đánh đổ chế độ thuộc địa của Anh năm 1947, và tiếp tục duy trì chế độ quân chủ riêng. Nhưng tháng 4-1975, sau khi Ấn Độ chiếm thủ đô Gangtok và giải giáp ngự lâm quân của nhà vua, một cuộc trưng cầu ý dân đã được tiến hành và 97,5% người dân Sikkim quyết định trở thành bang thứ 22 của Ấn Độ.
Hoặc một trường hợp khá phức tạp khác, một nhóm đại diện của người Palestine đã đồng ý nhượng lại khu Bờ Tây cho Jordan vào năm 1948.
Thời điểm đó, nhiều người Palestine hi vọng việc “nương nhờ” vào vua Abdullah của Jordan, một nước có quân đội mạnh, có thể giúp họ giữ được đất đai của tổ tiên trước sự xâm lấn của nhà nước Israel mới thành lập. Mặc dù việc sáp nhập này rất gây tranh cãi và không được nhiều nước thừa nhận, nhưng Jordan đã đối xử với Bờ Tây như một phần lãnh thổ của mình tới tận năm 1967.
Người Palestine ở đây có quyền công dân Jordan, được đi bầu cử, có ghế ở Quốc hội Jordan (cho tới tận năm 1988). Tới năm 1967, sau cuộc chiến tranh sáu ngày, Israel dùng vũ lực chiếm đóng Bờ Tây và bắt đầu kiểm soát vùng đất này. Kể từ đó, Bờ Tây sa sút trong sự kiểm soát ngặt nghèo của chính quyền Do Thái.
Bản đồ vị trí các đảo Tiran và Sanafir so với vị trí của Ai Cập và Saudi Arabia-wikipedia.org
Đảo của ai?
Trong thế kỷ 21, vụ “bán lãnh thổ quốc gia” nổi tiếng nhất phải kể đến việc chính quyền Ai Cập quyết định chuyển nhượng hai hòn đảo có vị trí chiến lược quan trọng ở biển Đỏ cho Saudi Arabia.
Vụ việc gây xôn xao dư luận Ai Cập và cả thế giới Ả Rập hồi tháng 4 vừa rồi. Hai hòn đảo Tiran và Sanafir nằm ngay cửa eo biển Tiran, án ngữ đường hàng hải huyết mạch Hồng Hải - vịnh Aqaba, cũng là tuyến đường biển vào các bến cảng quan trọng nhất của vùng Trung Đông như cảng Aqaba của Jordan hay cảng Eilat của Israel. Nằm dưới quyền kiểm soát của Ai Cập từ năm 1950, khi đó cả hai hòn đảo này đều không có dân cư.
Nhiều thế hệ học sinh Ai Cập đã được dạy rằng hai hòn đảo này là lãnh thổ quê hương. Nhưng bất ngờ, tháng 4-2016, chính quyền của Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi tuyên bố rằng hai đảo này thực chất thuộc chủ quyền Saudi Arabia, và Ai Cập chỉ “kiểm soát giùm” theo yêu cầu của nước bạn từ năm 1950.
Ngay lập tức, trên mạng xã hội, người dân Ai Cập tỏ thái độ bất bình. Chỉ trong vòng một ngày, từ khóa #Tiran_Sanafir được nhắn 28.000 lần trên Twitter. Báo chí mô tả đây là một hành động “bán nước”.
Tổ chức Anh em Hồi giáo khẳng định rằng các hòn đảo này đã được san nhượng “vì một nắm đôla, hoặc là để đổi lấy sự ủng hộ cho chính sách giết người, bắt giữ, bạo lực ngoài vòng pháp luật của chính phủ”. Iran, một nước đang có mâu thuẫn với Saudi Arabia, cũng bày tỏ sự bất bình với Ai Cập khi báo chí nước này gọi đây là hành vi “bán nước”.
Cùng với việc chuyển nhượng hai đảo Tiran và Sanafir, Ai Cập nhận được rất nhiều ưu đãi kinh tế từ nước láng giềng bên kia bờ biển Đỏ, vốn là một cường quốc khu vực với trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới. Song song với lễ ký kết “nhượng đảo”, vua Salman của Saudi Arabia ký một hợp đồng phát triển hạ tầng trị giá 1,5 tỉ USD trên bán đảo Sinai và cho Ai Cập vay tiền phát triển ngành hóa dầu trong 5 năm với lãi suất ưu đãi.
Có thể dễ dàng nhận thấy qua vụ đảo Tiran và Sanafir và nhiều ví dụ khác, rằng trong tiến trình phát triển của lịch sử thế giới, với rất nhiều biến động trong biên giới của các quốc gia, “chủ quyền” của một số vùng lãnh thổ trở nên chồng chéo và có thể được tính toán theo nhiều cách. Chính vì vậy, ngay cả khi chủ nghĩa thực dân cũ đã chết, các vùng lãnh thổ vẫn có thể được đem lên bàn thương lượng cho những mục tiêu khác nhau.
ĐỨC HOÀNG (Baotuoitre).
Khu 'phố Tàu' tái xuất sát 'nách' Thủ đô
Các làng nghề mộc Đồng Kỵ, Phù Khê (TX Từ Sơn, Bắc Ninh) từng tháo dỡ hàng trăm biển hiệu do vi phạm luật Quảng cáo năm 2013.
Gần đây, biển hiệu ghi toàn tiếng Trung tái xuất rầm rộ.
Không chỉ vi phạm về kích cỡ, vị trí chữ tiếng Việt, tiếng Trung trên biển hiệu quảng cáo, nhiều cửa hiệu treo biển hiệu chỉ toàn chữ tiếng Trung. Có những đoạn phố khiến có cảm giác không phải ở Việt Nam do nhiều biển hiệu quảng cáo chỉ toàn chữ Trung Quốc...
Người dân địa phương cho biết, phần lớn các sản phẩm đồ gỗ của làng nghề hiện nay xuất khẩu sang Trung Quốc, nhiều thương lái Trung Quốc trực tiếp tìm đến làng nghề giao dịch nên biển hiệu thường phải ghi chữ Trung Quốc.
Theo điều 18 (luật Quảng cáo 2012) quy định về tiếng nói, chữ viết, rất nhiều biển hiệu ở các khu phố thuộc phường Đồng Kỵ, xã Phù Khê, Hương Mạc (thị xã Từ Sơn) đang vi phạm quy định này.
Biển hiệu với hầu hết là chữ Trung Quốc đặt trên đường 271, đoạn qua phường Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) chỉ người biết tiếng Trung mới có thể hiểu.
Cũng trên mặt đường 271, đoạn qua phường Đồng Kỵ, biển hiệu này không có chữ nào tiếng Việt.
Biển hiệu trong khu công nghiệp Đồng Kỵ chỉ dành cho người biết tiếng Trung.
Nhà hàng ven sông Ngũ Huyện Khê thuộc dự án khu đô thị Mạnh Đức (thị xã Từ Sơn) với biển hiệu quảng cáo không có một chữ tiếng Việt nào.
Những biển hiệu quảng cáo ven sông Ngũ Huyện Khê thuộc địa phận thôn Kim Bảng, xã Hương Mạc (thị xã Từ Sơn) toàn chữ Trung Quốc với vị trí, kích cỡ đều vi phạm luật quảng cáo.
Biển hiệu ở ven sông Ngũ Huyện Khê.
Không ít biển hiệu ven sông Ngũ Huyện Khê in hoàn toàn bằng chữ Trung Quốc.
Một cửa hiệu kinh doanh đồ gỗ tại xã Hương Mạc với biển hiệu hoàn toàn in chữ Trung Quốc.
Cửa hàng bán túi xách, dây lưng da... trên con phố sầm uất thuộc xã Hương Mạc.
Nhiều cửa hiệu nằm trong các con ngõ nhỏ thuộc xã Hương Mạc cũng trưng biển hiệu chỉ toàn chữ Trung Quốc.
Những tấm biển hiệu chỉ có chữ Trung Quốc xuất hiện nhiều trên con phố sầm uất của xã Hương Mạc. Nhiều đoạn phố có cảm tưởng như không phải ở Việt Nam.
Không ít cửa hiệu sản xuất, kinh doanh ở Hương Mạc treo bảng, biển quảng cáo toàn chữ Trung Quốc.
Biển hiệu quảng cáo một khách sạn gồm 3 ngôn ngữ, trong đó chỉ tên khách sạn viết bằng chữ Việt Nam.
Ngay cả quầy bán bánh mỳ nằm trên hè phố trung tâm xã Phù Khê cũng trưng biển hiệu toàn chữ tiếng Trung.
Theo Lê Anh Dũng (Vietnamnet)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét