Trước hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Bé Sáu ở ấp Vĩnh Tắc (Vĩnh Xuân,Trà Ôn, Vĩnh Long) - người phụ nữ tâm thần bị “biệt giam” trong ngôi nhà hoang hơn 20 năm, các ngành chức năng đang tiến hành các bước để phối hợp gia đình đưa bà Sáu đi điều trị.
“Cả xóm ai cũng mừng”
Ngôi nhà bỏ hoang là “nơi ở”của bà Sáu từ nhiều năm qua.
Một người hàng xóm khác kể: “Người lối xóm nào đến bà ấy cũng nhớ, biết tên biết thứ đàng hoàng, đáng anh là kêu anh, đáng chị là kêu chị. Nếu có chỗ đưa bà ấy đi chữa trị thì hay quá”.
Một người hàng xóm khác giấu tên tâm sự: “Thấy cảnh vậy tôi cũng xót nhưng Sáu cũng có anh em, con cái nên tôi không can thiệp nhiều hơn được. Tôi cũng đã muốn nó được đi điều trị. Con người ta còn sống thì mình cứ đi điều trị, chừng nào chết thì thôi”.
“Thấy tội cho số phận con người của bả quá trời. Tụi này không mong gì hơn là nếu được thì đưa bả vô trung tâm hoặc là đem về có người chăm sóc sao cho tốt hơn, chứ để một mình là bệnh thì không ai hay luôn. Làm được vậy cả xóm đây mừng dữ lắm. Thường cha mẹ bệnh thì ai cũng lo, còn đằng này bỏ vầy ai mà chịu nổi, xót lắm”- người dẫn đường nói tha thiết với chúng tôi và khi biết được thông tin trên, tất cả họ rất vui mừng.
Có mặt tại UBND xã ngày 29/7, bà Lạc nói với chúng tôi: “Gia đình tôi chăm sóc vậy là cố gắng lắm rồi”. Bà cho biết: “Gia đình 8 anh chị em, ai cũng khá giả. Đâu có ai bỏ bả đâu. Trước đó, chồng tôi (em ruột bà Sáu) chăm sóc, nhưng hiện chồng tôi bệnh nằm một chỗ. Tôi hiện buôn bán, vừa lo cho chồng, vừa lo cho chị cũng mệt mỏi lắm rồi. Gia đình cũng đã tìm người chăm sóc hàng ngày cho chị Sáu, nhưng kiếm không ra người nào cả. Hễ nghe nói trường hợp này là người ta lắc đầu”.
Về 3 đứa con của bà Sáu, bà Lạc kể: “Tôi cầm điện thoại gọi là anh chị nó tới lo cho mẹ. Anh chị em nó nói hoài à, nghe thấy thương lắm: bà ngoại mất rồi, cậu với mợ nuôi mẹ con, con buồn dữ lắm luôn nhưng tại con nghèo mới để cậu mợ nuôi. Sau này con mần có tiền con sẽ rước mẹ con về, không để mợ nuôi nữa đâu. Bây giờ con ráng làm”.
Bà Lạc còn cho biết thêm, có lần gia đình tôi bàn bạc định đưa cho người con gái ruột nuôi dưỡng. Tính xây phòng đàng hoàng, còn tiền thì cho anh chị em nó 50 triệu đồng để gửi ngân hàng, lấy tiền chăm sóc mẹ. “Nhưng tôi nghe nói bên nội nó khuyên không nên đem về, vì sợ nuôi bả riết rồi thần kinh yếu luôn, chồng bỏ thì khổ nữa, liên lụy tới nhiều người nữa”- bà Lạc kể lại.
Nhanh chóng đưa đi điều trị, chăm sóc
Sau một hồi than vãn, bà Lạc mới thẳng thắn: “Gia đình chúng tôi đủ sức để lo cho chị Sáu. Tuy nhiên cái nào tốt hơn cho chị thì cứ làm. Nếu đưa chị đi thì gia đình tôi chịu, sẵn sàng bỏ tiền ra để trả chi phí chăm sóc, ăn uống, thuốc men”.
Buổi làm việc tại UBND xã ngày 29/7 đã nhẹ nhàng khi đại diện gia đình đã gật đầu đồng thuận với các phương án mà các ngành chức năng đề xuất. “Bởi có nhiều trường hợp gia đình không chịu đưa đi, chúng tôi phải làm việc trong thời gian dài mới thuyết phục được”- bà Lưu Thị Tuyết Minh- chuyên viên Phòng Công tác xã hội (Trung tâm Công tác xã hội)- chia sẻ.
Bà Lưu Thị Tuyết Minh nói thêm: “Sau quá trình điều trị, nếu bệnh tình của bà Sáu thuyên giảm và được giấy xuất viện của Bệnh viện Tâm thần thì chúng tôi sẽ đưa bà về Trung tâm Công tác xã hội để tiếp tục theo dõi, chăm sóc trong vòng 30 đến 90 ngày.
Cũng trong khoảng thời gian này, chúng tôi sẽ xét xem bà Sáu có thuộc diện được ở tập trung hay không. Nếu đạt yêu cầu theo đúng quy định của pháp luật, bà Sáu sẽ được ở lại đây và được chăm sóc miễn phí suốt đời”.
Còn trong trường hợp, sau khi bà được điều trị tại Trung tâm Công tác xã hội mà gia đình muốn mang về chăm sóc thì phải đảm bảo có người thân chăm sóc cận kề, hòa nhập với cộng đồng dưới sự giám sát chặt chẽ của địa phương.
Đại diện gia đình, bà Lạc tỏ vẻ vui mừng, bà nói: “Gia đình tui rất đồng thuận với quyết định của chính quyền và hợp tác để đưa chị Sáu đi chữa bệnh. Hiện tại, nhà tôi cũng đơn chiếc không thể chăm sóc tốt cho chị được”.
Về khoản chi phí điều trị tại Bệnh viện Tâm thần, ông Đặng Phước Hậu- chuyên viên Phòng LĐ-TB và XH huyện Trà Ôn cũng nói rõ, trường hợp gia đình bà Lạc không thuộc diện hộ nghèo nên theo quy định, gia đình sẽ hoàn toàn chi trả các chi phí trong suốt quá trình điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Long.
Tuy nhiên, gia đình bà Lạc vẫn nhận được tiền trợ cấp (tổng cộng 540.000 đ/tháng). “Chúng tôi đã liên hệ với phía Bệnh viện Tâm thần Vĩnh Long và được biết mức phí sẽ theo tùy từng trường hợp cụ thể. Thường khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Như vậy, với khoản trợ cấp nói trên thì gia đình bà sẽ chỉ đóng phí khoảng một triệu đồng/tháng. Do đó, gia đình nên vận động thêm anh chị em để cùng nhau chia sẻ” - ông Đặng Phước Hậu chia sẻ với bà Lạc.
Ông Đặng Phước Hậu nói thêm: “Hiện phương tiện đã sẵn sàng. Tuy nhiên, chúng tôi đang hoàn thành các thủ tục cần thiết để nhanh chóng đưa bà Sáu đi điều trị bệnh tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Vĩnh Long”.
Đường dây nóng hỗ trợ khẩn cấp 0703. 960 001
Bà Lưu Thị Tuyết Minh kêu gọi, hiện Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long đã thành lập đội bảo vệ khẩn cấp. Nếu người dân phát hiện các trường hợp cần bảo vệ nên gọi ngay cho Đường dây nóng của Trung tâm Công tác xã hội 0703 960 001. Các đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp là: người rối nhiễu tâm trí và người tâm thần; trẻ em bị bỏ rơi; nạn nhân của bạo lực gia đình; nạn nhân bị xâm hại tình dục; nạn nhân bị buôn bán; nạn nhân bị cưỡng bức lao động.
http://www.baovinhlong.com.vn/video/201608/video-giai-cuu-nguoi-phu-nu-tam-than-mot-minh-trong-can-nha-hoang-2721301/
http://www.baovinhlong.com.vn/video/201608/video-giai-cuu-nguoi-phu-nu-tam-than-mot-minh-trong-can-nha-hoang-2721301/
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét