=> Thiện Nghiệp: DĨA CƠM TRÊN TƯỜNG...

Bác sĩ đi hát để... kiếm cơm cho bệnh nhân

Người nhà bệnh nhân nhận được lá phiếu rất khác biệt của chương trình "Dĩa Cơm Trên Tường"

Toàn bộ số tiền ủng hộ cho đêm nhạc sẽ được đưa vào dự án mang tên “Dĩa cơm trên tường” để giúp đỡ bệnh nhân và người thân ở bệnh viện có suất ăn đầy đủ chất.

Lúc 20 giờ (ngày 6-8) sắp tới, đêm nhạc từ thiện Blouse trắng sẽ khai mạc tại quán cà phê Somewhere (số 18 lô B, Trường Sơn, phường 15, quận 10, TP.HCM). Đêm nhạc có sự góp mặt của các y, bác sĩ, điều dưỡng, y tá làm trong ngành y.

Bác sĩ không chỉ biết mổ
Đêm nhạc sẽ được biểu diễn đều đặn vào tối thứ Bảy hằng tuần. Trước khi đêm nhạc chính thức diễn ra, các y, bác sĩ đã có nhiều buổi tối tập luyện hăng say với mong muốn cho ra mắt một đêm nhạc nghệ thuật mang lại nhiều cảm xúc. Do tính chất công việc, các y, bác sĩ thường rất bận rộn nhưng ai cũng cố gắng thu xếp để đến tập luyện và ráp nhạc.

“Thường vào giờ này tôi vẫn còn ở phòng khám hoặc công ty chứ chưa về. Nay sắp có đêm nhạc thì chúng tôi đến đây tập luyện. Đêm nhạc không đơn thuần từ thiện mà còn là sân chơi cho nhân viên y tế nói riêng, người ngoài ngành nói chung. Có cơ hội thỏa mãn đam mê và đem lại lợi ích cho cộng đồng thì không hạnh phúc gì bằng. Thường ngày, y, bác sĩ là người chứng kiến nỗi khổ của bệnh nhân đập vào mắt trước hết nên chúng tôi đều luôn muốn làm điều gì đó cho họ nhưng sức mỗi người thì chỉ có hạn. Nếu mỗi người góp một tay thì sẽ giúp được nhiều người hơn” - BS Kiều Thanh Hà, BV Nhi đồng 2, chia sẻ.

Với BS Lê Thành (BV Mắt TP.HCM) thì âm nhạc là cầu nối dễ kéo mọi người xích lại gần nhau hơn. “Có lẽ chương trình sẽ đem đến góc nhìn về bác sĩ không khô khan như mọi người vẫn nghĩ. Chúng tôi mong chương trình sẽ nhận được sự chung tay của nhiều người”.
Các bác sĩ BV Mắt đang hăng say tập luyện cho đêm diễn. Ảnh: HOÀNG LAN

Chăm chút cho… “Dĩa cơm trên tường”
Ra đời hơn một năm trước, dự án “Dĩa cơm trên tường” đã được thực hiện ở ba BV là Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Chợ Rẫy và hơn hai tuần trước là tại BV Trưng Vương. Mỗi tuần, dự án hỗ trợ miễn phí 420 dĩa cơm, trị giá mỗi dĩa 20.000 đồng. Các y, bác sĩ các đang nghiên cứu mở thêm vài địa điểm nữa.

BS Huỳnh Thanh Hiền, BV Tâm thần TP.HCM, người nghĩ ra ý tưởng về “Dĩa cơm trên tường”, chia sẻ: “Tôi nghĩ ra dự án này khi tình cờ đọc một câu chuyện lãng mạn tại một quán cà phê ở TP Venice (Ý). Khi vào quán cà phê này, ngoài uống phần nước của mình, khách có thể gọi thêm ly cà phê trên tường và tính tiền trước. Ly cà phê sẽ được tượng trưng bằng một tờ giấy nhỏ dán lên tường. Những người đến sau nếu gỡ tờ giấy nhỏ đó và đưa cho người phục vụ sẽ được phục vụ một ly cà phê và không cần phải tính tiền nữa.

Tôi rất thích thú với câu chuyện này và nảy ra ý tưởng biến tấu ly cà phê trên tường thành dĩa cơm trên tường cho bệnh nhân nghèo. Ý tưởng của tôi đã nhận được sự đồng cảm và ủng hộ của BS Võ Xuân Sơn, Giám đốc Phòng khám quốc tế EXSON. Chính BS Sơn đã biến ý tưởng này thành hiện thực và đã góp rất nhiều công sức để chương trình “Dĩa cơm trên tường” tồn tại đến hôm nay”.

Dự án “Dĩa cơm trên tường” trước mắt tập trung vào những người cơ nhỡ, đang gặp lúc ngặt nghèo do phải đi nuôi bệnh tại các BV. Nhóm trả tiền trước cho những dĩa cơm và nhờ phòng công tác xã hội ở các BV hoặc tình nguyện viên tìm những trường hợp bệnh nhân khó khăn để phát phiếu nhận cơm miễn phí tận tay cho họ. Họ không thể dán lên tường ai muốn đến lấy cũng được như ở Ý vì sẽ có những trường hợp người đến lấy cơm không hẳn đã là người có hoàn cảnh khó khăn.

Ngoài ra, các y, bác sĩ cũng làm việc với những quán cơm để họ hỗ trợ phát cơm khi người nuôi bệnh đưa phiếu. Chủ quán cơm sẽ nhận phiếu này rồi sau đó các y, bác sĩ sẽ thanh toán tiền cơm lại cho họ.

“Có khi nguồn quỹ đi xuống, các y, bác sĩ chúng tôi nghĩ chuyện giúp bệnh nhân nghèo bằng cách cá cược các dĩa cơm. Ở cuộc chơi đó không có người thắng mà người thua thì phải chung độ bằng các dĩa cơm. Nhưng chúng tôi cũng nhận thấy hình thức này không thể kéo dài, cần tìm nguồn thu ổn định hơn để tăng số dĩa cơm lên. Thế là ý tưởng về đêm nhạc ra đời” - BS Hiền bày tỏ.

CLB Ấm (Hà Nội) cũng vừa có chương trình cấp phát và khám, chữa bệnh miễn phí cho người vô gia cư.
Việc khám, chữa bệnh này xuất phát từ việc trong nhiều năm đi phát quà cho người vô gia cư, những thành viên trong CLB Ấm đã gặp một số trường hợp người vô gia cư bị bệnh, ốm nằm tại lề đường mà không có đủ tiền để chữa trị. Chương trình gây được sự chú ý, quan tâm của nhiều bác sĩ, dược sĩ, các bạn sinh viên ngành y và rồi phát triển thành một đội ngũ các dược sĩ luôn đồng hành trong các tối thứ Bảy để thăm khám và phát thuốc miễn phí cho người vô gia cư, chủ yếu ở hai quận Hoàn Kiếm và Ba Đình (ảnh).
VIẾT THỊNH

Quán cơm mở từ sáng tới khuya, người đem phiếu đến lúc nào cũng được nhận cơm hoặc nếu họ muốn đổi qua món ăn khác như hủ tiếu, bún bò, chúng tôi cũng chấp nhận. Được hỗ trợ từ các bác sĩ để phát cơm thêm cho người nghèo nữa thì tôi vui lắm. Tôi thấy việc phát phiếu tận tay cho người nuôi bệnh đảm bảo đúng đối tượng, tránh lãng phí (ảnh).
Bà NGUYỄN THỊ TRANH, chủ quán cơm Đức Toàn, 
đối diện BV Nhi đồng 1

Tôi có con trai bảy tháng tuổi đang chờ mổ tim. Hai vợ chồng cùng làm công nhân ở Đồng Nai. Từ ngày con bệnh, hai vợ chồng bỏ hết công việc để lên TP trông con. Tôi đã nhận phiếu cơm hai lần rồi. Khi nhận được phiếu, tôi bất ngờ lắm. Được bữa cơm nào thì hay bữa nấy, tôi sẽ tiết kiệm được thêm chi phí cho con phẫu thuật.
Anh LẠI VĂN VÂN, người nuôi bệnh ở BV Nhi đồng 1

Theo Hoàng Lan (Pháp luật Tp.HCM)



 Tài xế không lấy tiền của người phụ nữ mù
1 tài xế taxi chở khách là người phụ nữ mù, khi đến nơi, số tiền cước không phải là nhỏ so với đồng lương cho công sức lao động của anh. Thế nhưng, tài xế taxi từ chối nhận tiền.

Trong cuộc sống này vẫn còn đó những con người nhân hậu, sẵn sàng giúp đỡ người khác trong hoàn cảnh khó khăn, mà không cần tới sự báo đáp. 

Câu chuyện sau đây là một minh chứng:
"Chuyện kể về một người phụ nữ mù bắt taxi tới một tòa nhà nọ. Lúc đến nơi, đồng hồ taxi hiển thị số tiền là 100 ngàn đồng.

Tài xế taxi dẫn cô vào chỗ an toàn rồi nói với cô rằng: "Tôi không thu tiền của cô, bởi vì so với cô thì việc kiếm tiền của tôi chắc dễ dàng hơn".

Cũng vào lúc đó, từ trong khu cư xá, một người đàn ông có dáng vẻ của một ông chủ đi ra. Ông cũng bước lên chính chiếc xe taxi đó rồi đi.

Trên đường đi, hai người đàn ông vui vẻ chuyện trò cùng nhau. Khi tới nơi xuống xe, đồng hồ báo cũng hiển thị số tiền là 100 ngàn đồng nhưng người đàn ông này đã lấy ra số tiền 200 ngàn và nói với người lái taxi rằng: "Tiền này bao gồm cả số tiền của người phụ nữ lúc nãy.

Tôi cũng không phải là vĩ đại gì, nhưng chắc là việc kiếm tiền của tôi cũng dễ dàng hơn cậu một chút, hy vọng cậu có thể tiếp tục làm việc tốt!"

Cảm thấy bản thân mình may mắn hơn so với hoàn cảnh của người phụ nữ mù, anh tài xế từ chối nhận tiền, mặc dù đồng lương mà anh kiếm được mỗi tháng không nhiều.

Cuối cùng, anh được một ông chủ giàu có trả lại số tiền đó, bởi người đàn ông ấy muốn nhắn nhủ rằng: "Làm việc tốt không cần báo đáp, chỉ cần bạn hứa với tôi rằng nếu gặp người khác khó khăn hãy hết lòng giúp đỡ họ".

Trong cuộc sống đời thường, nếu bạn có thể giữ vững được nguyên tắc làm người "làm ơn mà không cần đáp trả, nhận được ơn huệ mà không bao giờ quên" thì bạn nhất định sẽ tích được đại đức cho tương lai.

Giúp đỡ mọi người một cách vô tư, không cầu được đền đáp - bạn có sẵn lòng?. (Ảnh minh họa)

Có một số người mặc dù cũng biết được rằng làm việc thiện là tốt, nhưng một khi làm việc thiện không nhận được sự báo đáp đã nhanh chóng trở nên nản chí, ngã lòng.

Thậm chí họ còn nghi ngờ rằng, thế gian liệu có thực sự tồn tại thiên lý "thiện ác có báo"? Điều này đơn giản là bởi vì lòng nhân từ của họ không đủ trong sáng, thuần túy.

Một người thực sự lương thiện thì giống như là nước. Nước nuôi dưỡng tất cả các sinh linh, tưới tắm cho vạn vật, nó không tranh đấu vì quyền lợi, và cũng không cần sự báo đáp. Đây chính là sự khiêm nhường lớn nhất và đức hạnh cao cả nhất!

Hiện nay, khi mà cuộc sống ngày càng trở nên hối hả, bon chen, con người ta đôi khi bị cuốn theo nhịp sống công nghiệp, sống gấp, sống vội mà bỏ quên đi sự quan tâm, giúp đỡ dành cho mọi người xung quanh.

Thậm chí, giữa thời buổi "thật giả lẫn lộn", điều này càng cổ vũ cho thói vô cảm, khiến nhiều người mặc dù thấy hoạn nạn mà không dám giúp đỡ vì sợ bị lừa gạt, sợ trở thành nạn nhân của các trò dàn cảnh trấn lột, thôi miên, lừa đảo...

Tuy vậy, thực tế, nhiều hành động tốt đẹp, giúp đỡ người khác mà không cầu tư lợi, báo đáp vẫn được cộng đồng mạng chia sẻ nhằm khiến lòng tốt lan tỏa.

Đó là câu chuyện mà facebook Tuấn Anh Hoàng chia sẻ, vào chiều ngày 15/6, trên tuyến đường Giáp Bát - Văn Điển (Hà Nội), Tuấn Anh đã bắt gặp khoảnh khắc người phụ nữ mua xăng cho cụ ông gây xúc động.

Tuấn Anh kể: "Lúc đó, tôi đi trên đường, đang quay lại đẩy xe giúp thì thấy một chị tầm 30-40 tuổi đưa chai xăng vừa mua cho bác bị hỏng xe.

Trước đây, khi xe tôi trong trường hợp tương tự đã được một bạn trẻ giúp đỡ nên thấy xã hội này còn rất nhiều người tốt. Đó là hành động đẹp và đáng được trân trọng".

Hình ảnh cô gái mua xăng giúp ông cụ giữa phố Hà Nội (Ảnh: Facebook)

Câu chuyện về ân nhân cựu mạng giữa đường được chàng trai có tên Trần Trung Hiếu (sinh năm 1992, Hà Nội) đăng tải với dòng chia sẻ: "Anh là Nam, ân nhân cứu mạng anh em tôi khi gặp nạn trên đường Hồ Chí Minh không một bóng người.

Không có anh, không biết giờ này chúng tôi thế nào. Anh tôi rách đùi, bác sĩ bảo nguy hiểm, nếu đến trễ thêm 10 phút nữa thôi là sẽ không giữ được tính mạng.

Anh Nam đang chở gia đình về, thấy tôi kêu cứu, không ngần ngại gì xấn vào cứu lấy chúng tôi. Đến viện, anh vẫn tiếp tục xắn tay khiêng vào phòng cấp cứu… Đâu đó quanh đây vẫn còn tình người. Anh là ân nhân của chúng tôi".

Hay mới đây nhất là hành động một cô gái trẻ ở Hà Nội không ngần ngại dừng xe lại giữa cơn mưa tầm tã để mang áo mưa cho một bà cụ không quen biết khiến dân mạng xôn xao.

Mưa cho bà cụ không quen biết của cô gái trẻ gây nhiều tranh cãi (Ảnh:Facebook)

Tất cả những hành động trên tuy rất giản dị, gần gũi nhưng lại có sức lay động lòng người. Dù bất kì ai cũng có thể làm được, nhưng liệu bạn có bao giờ tự hỏi mình, nếu ở vào hoàn cảnh đó, bạn có thực sự sẵn lòng cho đi lòng tốt của mình mà không cầu bất kì điều gì không?

Theo Thế giới trẻ

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét