Mới đây, Thai-PAN - Hệ thống cảnh báo thuốc trừ sâu Thái Lan công bố: 57,1% mẫu xét nghiệm được dán nhãn Q của Cục Tiêu chuẩn Thực phẩm và Sản phẩm Nông nghiệp Quốc gia (ACFS), tìm thấy hàm lượng chất độc cao. Ngoài ra, 25% sản phẩm có chứng nhận hữu cơ (được coi là không sử dụng hoá chất) có dư lượng hóa chất vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Trong đó, ớt đỏ đứng đầu bảng các sản phẩm có dư lượng chất độc hại vượt quá tiêu chuẩn với tỷ lệ 100%, tiếp theo là húng quế và đậu đũa, cải xoăn Trung Quốc, bắp cải Trung Quốc, rau muống, cà chua và dưa chuột.
Cụ thể, 100% mẫu ớt đỏ có dư lượng độc hại vượt tiêu chuẩn; 66,7% mẫu húng quế và đậu đũa, 55,6% mẫu cải ngọt; 33,3% mẫu cải thảo, 22,2% mẫu rau muống; mẫu cà chua và dưa leo chiếm ít nhất 11,1%. Với các loại trái cây, 100% mẫu cam, ổi; 71,4% mẫu thanh long; 66,7% mẫu đu đủ và 44,4% xoài Nam Dok Mai cũng vượt ngưỡng.
Tại Việt Nam, hoa quả Thái vốn là thực phẩm ưa chuộng của nhiều người dân Việt, đặc biệt là các bà nội trợ hay các chị em phụ nữ. Vì vậy, thông tin hoa quả Thái nhiễm độc trên khiến các bà nội trợ tỏ ra vô cùng lo lắng.
Đặc biệt, thời gian gần đây, hoa quả Thái được bày bán tràn lan, tràn ngập trên nhiều tuyến phố tại Hà Nội như Xã Đàn, Giải Phóng, Kim Mã, Trần Nhật Duật, Phạm Ngọc Thạch…. Trong đó, số loại hoa quả Thái Lan được các chị em ưa thích như bòn bon, mây Thái, nhãn,…
“Tôi nghĩ hoa quả Thái có ưu điểm an toàn, sạch sẽ, ngon nên mỗi ngày đi làm về, tôi đều tranh thủ dừng xe mua về nhà cho mọi người trong gia đình sử dụng. Nhưng giờ lại nghe thông tin hoa quả Thái không an toàn. Tôi không biết giờ phải mua thực phẩm nào cho yên tâm nữa!” – Chị Lại Thị Xuân, cư ngụ tại ngõ 193/64 đường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ.
Không chỉ chị Xuân, nhiều bậc phụ huynh khác cũng bày tỏ sự hoang mang. “Biết ông xã thích ăn nhãn Thái, vừa rồi, nhân chuyến đi Thái Lan cùng cơ quan, tôi cố gắng mua về thật nhiều để vào tủ lạnh ăn dần. Ai dè, mấy hôm vừa rồi đọc thông tin trên báo, được biết, hoa quả Thái Lan chứa chất độc hại, tôi và ông xã không ai dám động tới mấy kg xoài đó nữa. Hiện giờ, xoài vẫn còn để nguyên trong tủ lạnh kia kìa” – Cô Tạ Lan Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) vừa chỉ tay vào chiếc tủ lạnh chứa đầy xoài Thái trong đó vừa ngán ngẩm kể.
Trước đó, theo báo cáo của Hiệp hội rau quả Việt Nam cho thấy, 3 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu rau quả Việt Nam đạt 156,8 triệu USD, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, rau quả từ Thái Lan vượt quaTrung Quốc để dẫn đầu về thị phần tại Việt Nam.
Cụ thể, 3 tháng đầu năm nhập khẩu rau quả từ Thái Lan đạt gần 60 triệu USD, tăng 125% so với cùng kỳ 2015. Trong top 10 thị trường cung cấp rau quả cho thị trường Việt Nam thì Thái Lan chiếm từ 24,13% thị phần năm 2015, nay vượt qua Trung Quốc và chiếm 38,18%. Trong khi đó, Trung Quốc từ chiếm 27,7% thị phần năm 2015 thì sang 2016 giảm xuống còn 24,98%.
51,7% rau quả Thái Lan chứa chất độc vượt mức an toàn. Ảnh minh họa.
Khảo sát tại các chợ đầu mối cho thấy: Trái cây Thái Lan nhập vào Việt Nam tăng cao. Nếu trước đây chỉ có một số sản phẩm đặc trưng như: me, bòn bon thì nay có thêm xoài, quýt, sapoche, sầu riêng và cả táo xanh Thái... ở các chợ và cửa hàng.
Giá các sản phẩm này cao hơn nhiều so với hàng Việt. Cụ thể, xoài Thái có giá bán buôn 36.000 đồng/kg, cao hơn hàng Việt 10.000-15.000 đồng/kg. Me Thái giá bán buôn 80.000 đồng/kg, bán lẻ 100.000 đồng/kg.
Bòn bon Thái loại một có giá tới 200.000 đồng/kg, cao gấp gần 3 lần so với hàng trong nước. Quýt, chôm chôm, nhãn, táo Thái Lan có giá dao động 30.000-60.000 đồng/kg. Riêng mít nhập từ Thái có giá 120.000 đồng/kg, trong khi mít giống Thái trồng ở Việt Nam chỉ 40.000-50.000 đồng/kg (đã tách vỏ).
Như vậy, dù giá cao hơn nhiều sản phẩm trong nước nhưng trái cây Thái Lan vẫn vượt mặt Trung Quốc tràn vào Việt Nam.
Trước mối lo ngại của người dân về hoa quả Thái nhiễm độc, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã lên tiếng. Đại diện của Cục này cho hay: Việt Nam chủ yếu nhập nhóm nhãn, mít, sầu riêng, măng cụt, dừa, me khô, một ít ớt bột Thái Lan, đặc biệt, không nhập rau từ nước này.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, mặc dù danh sách rau quả nhiễm độc của Thái Lan không có các mặt hàng Việt Nam nhập về, nhưng Chi cục Bảo vệ thực vật TP.HCM đã lấy mẫu kiểm tra một số hoa quả Thái trên địa bàn, kết quả không phát hiện loại trái cây nào nhập từ Thái có tồn dư độc chất.
Mặc dù được cơ quan chức năng trấn an, song người tiêu dùng vẫn không khỏi lo ngại vì cho rằng, ngoài lượng hoa quả nhập khẩu theo con đường chính ngạch thì vẫn có một lượng lớn trái cây Thái nhập về qua đường tiểu ngạch và liệu lượng trái cây này có được kiểm nghiệm hay không.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét