=> Bob Kerrey và nỗi ám ảnh tại Thạnh Phong

Cựu Thượng nghị sỹ Mỹ Bob Kerrey thừa nhận gặp rất nhiều khó khăn do vết thương tinh thần để lại sau vụ thảm sát tại Thạnh Phong, Bến Tre - sự việc mà cho đến hiện tại vẫn gây nhiều tranh cãi tại chính nước Mỹ.

"Ký ức đó sẽ đeo đẳng tôi đến lúc chết" - Bob Kerrey

Từ dược sỹ tới đặc nhiệm SEAL

Bob Kerrey là con thứ ba trong một gia đình có 7 con thuộc giới lao động bình dân sống tại Lincoln, Nebraska. Lên đại học, ông theo học ngành dược tại Đại học Nebraska. Kerrey thú nhận quãng đời sinh viên của mình ngập chìm trong những bữa tiệc. Tuy vậy ông vẫn xuất sắc hoàn thành chương trình học sớm trước một năm.

Thành công trong học tập là thế, song công việc dược sỹ suốt ngày đứng sau quầy thuốc không làm ông cảm thấy hài lòng.

Kerrey từng kể lại một câu chuyện vui về công việc dược sỹ của mình. Trong một lần có người nông dân tới tìm mua thuốc chữa "ngứa mũi", mệt mỏi trước lời tả bệnh của người nông dân, Kerrey nói: "anh thử cách này đi", sau đó lấy cổ tay áo quệt qua mũi người khách!

Cũng do chán nản với sự nghiệp, Kerrey xin gia nhập trường huấn luyện sỹ quan Hải quân ngay sau khi nhận được giấy gọi nhập ngũ. Sau đó ông gia nhập lực lượng đặc nhiệm SEAL khét tiếng và tới tham chiến tại Việt Nam.

Bob Kerrey trong trang phục người nhái khi còn phục vụ trong lực lượng đặc nhiệm SEAL

Cuộc chiến của Kerrey chỉ diễn ra trong vỏn vẹn có 3 tháng trời. Ông bị thương vì trúng mảnh lựu đạn và phải cưa bỏ một nửa chân phải.

Jim Crotty, cựu phi công Thủy quân lục chiến Mỹ - người nằm cạnh Kerrey suốt 9 tháng trời trong viện quân y hồi tưởng lại: "Lúc mới tới bệnh vện, anh ấy nhìn toàn cảnh rồi thốt lên, 'Chúa ơi, chúng con đã làm gì thế này, tại sao chúng ta lại làm vậy, ai là người chịu trách nhiệm?'".

Với Kerrey, đúng là chiến trường tại Việt Nam chỉ diễn ra trong vỏn vẹn 3 tháng, nhưng cuộc chiến trong tâm trí ông còn đeo đẳng chính trị gia này cho đến tận bây giờ.

"Sai lầm" và nỗi ám ảnh
Cơn ác mộng của Kerrey bắt đầu vào đêm ngày 25/2/1969, sau loạt đạn oan nghiệt do đích thân ông chỉ huy thuộc cấp bắn về phía ngôi làng Thạnh Phong vô tội tại tỉnh Bến Tre, Việt Nam.

"Điều mà tôi sẽ nhớ mãi cho đến khi chết là khi bước tới và phát hiện, tôi không rõ nữa, khoảng 14 phụ nữ và trẻ em đã chết", Kerrey nói với tờTimes Magazine.

Ông nhớ những thi thể nằm chồng lấn lên nhau. Một số người còn sống sót bỏ chạy cũng bị binh sĩ dưới quyền Kerrey nổ súng sát hại ngay lập tức.

"Cái đêm hôm đó vẫn cứ quay lại ám ảnh tôi mỗi ngày", Kerrey nói với tờ TIME. "Không biết bạn có cảm nhận được sự xấu hổ đó không, rất khó để nói về nó".

Chiếc huân chương "ngớ ngẩn" tràn đầy động cơ chính trị


Với "chiến công" tại Thạnh Phong đêm đó, Kerrey được trao tặng "Huân chương Danh dự" - phần thưởng cao quý nhất của Quân đội Hoa Kỳ, vì đã chiến đấu "anh dũng" tại Việt Nam.

Nhận được tin, cả Kerrey và các đồng đội của ông đều biết rằng đó là một hành động "ngớ ngẩn" của giới chóp bu Quân đội Hoa Kỳ.

"Bob nói muốn từ chối huân chương...đó chỉ là một đêm bình thường như bao đêm khác", Michael Ambrose - một trong những binh sĩ lên tiếng về sự thật tại Thạnh Phong cho biết. "Chúng tôi bị bắn và nổ súng đáp trả".
Bob Kerrey nhận Huân chương Danh dự từ Tổng thống Mỹ Richard Nixon

Kerrey và các đồng đội tin rằng "danh dự" trên được trao là từ động cơ chính trị: Cuộc chiến phi nghĩa tại Việt Nam của Nixon không được lòng công chúng Mỹ, ông ta cần thêm một vài "anh hùng giấy" để thay đổi tình hình.

Đồng đội của Kerrey khuyên ông nên nhận huân chương, vì những người đồng đội đã hi sinh. Cuối cùng đến ngày 14/5/1970, Kerrey đành chấp nhận để đích thân Tổng thống Nixon gắn tấm huân chương vô nghĩa lên ngực mình.

Chị gái của ông tiết lộ, Kerrey còn do dự cho đới tận khi đại gia đình ông tập trung về Washington để chuẩn bị cho buổi lễ đón nhận.

"Tôi cảm thấy rất không thoải mái với cách giới thiệu của họ, 'Đây, Bob Kerrey, Anh hùng nước Mỹ", Bob Kerrey nói về vị thế mới mà mình nhận được.

Sám hối
Trong suốt những năm trở về từ cuộc chiến, Thạnh Phong, Việt Nam luôn ám ảnh Bob Kerrey, tạo thành một vết sẹo tâm lý không thể chữa lành.

Kerrey thú nhận mình chỉ cảm thấy giải thoát được đôi chút từ sau khi 2 đứa con đầu lòng ra đời. Tuy nhiên, cơn ác mộng tại Thạnh Phong đêm hôm đó vẫn được ông giữ kín trong suốt 32 năm sau đó.

Vào năm 2001, thông qua một bài viết trên tờ New York Times, Kerrey lần đầu chính thức lên tiếng về sự thật tại Việt Nam. Một mặt thừa nhận vụ thảm sát là một "tội ác" do chính mình ra lệnh, nhưng mặt khác Kerrey một mực phủ nhận những cáo buộc rằng ông đã chỉ huy binh sỹ của mình thực hiện một cuộc hành quyết tập thể.

Hai tuần trước khi tuyên bố trên được đưa lên mặt báo tại Mỹ, Kerrey mới lần đầu dám kể cho các con của mình nghe về sự thật tại Thạnh Phong.

Kerrey cho biết, ông cảm thấy vết thương lòng đeo đẳng mình suốt nhiều thập kỷ bắt đầu lành dần khi nghe các con nói chúng vẫn yêu ông.

Bảo Ngân (Tổng hợp

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét