=> Tục Nuôi Ma Của Người Jrai.

Tượng mộc nhân trước mộ tượng trưng người sống đang đứng canh giấc ngủ ngàn thu của người đã khuất.

Khu vực nuôi ma nằm trên đỉnh núi Sê San, thuộc xã Ia Kreng, huyện Chư Pảh, tỉnh Gia Lai là thế giới riêng của người Jrai. Nơi đây, người sống chăm lo bữa ăn, giấc ngủ cho người chết, họ gọi là “nuôi ma”…

Đó là vùng đất hoang sơ, một nơi hiếm hoi ở Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung mà người ta có thể bắt gặp những con người là hiện thân của nhiều tục lệ xưa cà răng căng tai, nơi từng duy trì tục lệ khoét lõi cây rừng khổng lồ làm áo quan chôn người chết.

Truyền thuyết huyền hoặc

Từ TP Pleiku, Gia Lai, vượt chặng đường gần 50 km đến trung tâm huyện Chư Pảh, từ đây lại tiếp tục cuộc hành trình hơn 10 km đến địa phận xã Ia M’nông và thử thách cam go nhất tại nơi này là quá trình chinh phục tiếp 33 km đường đèo hiểm trở mới đến khu vực nuôi ma, chúng tôi đến làng Dip của người Jrai.

Đường vào làng Dip, xã Ia M’nông

Khoảng 4 giờ chiều, cơn mưa rừng lất phất, trời sầm tối. Người Jrai với bản tính hiếu khách, đón tiếp nhiệt tình.

Già làng Rơ Chăm Siu năm nay đã ngoài 80 mùa rẫy (người Jrai tính theo mùa rẫy, một mùa rẫy là một tuổi) nói: “Theo quan niệm của tộc người Jrai, mọi sinh vật khi còn sống, dẫu là con người hay muông thú đều có hồn, gọi là m’ngắt.

Khi người chết, m’ngắt sẽ biến thành atâu (ma). Do đó, trong thời gian chưa làm lễ bỏ ma (bỏ mả, ngôn ngữ bản địa gọi là hoă lui bơxát), hồn của người chết vẫn ở lại nghĩa địa.

Trong thời gian này, thân nhân của người chết phải làm lễ giữ mả, nuôi ma như nuôi người sống”.

Già Siu bảo, người sống ngày ngày đem cơm nước, rượu thịt đến nhà mồ cho hồn ma ăn uống, ngoài ra còn phải quét dọn nhà cho ma, đốt lửa cho ma sưởi ấm, hát cho ma nghe, khóc và tâm tình, kể chuyện cho ma nghe….

Khi một người trong buôn mất, nếu chưa tiến hành lễ bỏ ma thì người chết vẫn chưa chính thức là thành viên trong thế giới atâu – thế giới của những hồn ma tổ tiên.

Do đó, lễ bỏ ma là nghi lễ thiêng liêng, gia chủ phải mổ trâu, phải ủ nhiều ghè rượu đãi cả làng để tiễn hồn ma đi về vĩnh viễn với tổ tiên ở thế giới bên kia, từ đó họ không còn can hệ gì với người sống.

Còn nếu gia đình người chết chưa đủ tiền làm lễ bỏ mả thì họ phải vào rừng nuôi ma đến khi nào làm lễ xong mới thôi.

Điều này đồng nghĩa với việc trong thời gian này, người chết và người sống vẫn “gặp nhau”, nhưng chỉ gặp khi mặt trời đã ẩn sau núi.

Lỗ âm dương mà người sống đổ thức ăn nuôi người chết.

Đêm chìm theo lời kể, các già chậm rãi “ru” những vị khách miền xuôi bằng những truyền thuyết về thế giới ma đầy huyền hoặc.

Cụ Rơ Chăm K’len (74 tuổi) bảo rằng: Làng ma có thể ở trên mặt đất, hoặc dưới mặt đất và bao giờ cũng nằm ở hướng mặt trời lặn.

Đó là một nơi tăm tối, nơi linh hồn của người chết mưu sinh, họ cũng lên rừng lên rẫy, cũng đau bệnh và có chết chóc.

Già lý giải về sự cách biệt giữa hai thế giới âm – dương: làng ma ẩn trong một hang núi ở phía tây do hai chị em bà Tung, bà Tai cai quản.

Xưa kia bà Tung cho phép người sống vào hang núi gặp người thân đã chết, gặp tổ tiên của mình.

Về sau thấy người sống đến làng ma đông quá và bỏ bê chuyện chăm sóc nhà cửa, ruộng rẫy, vậy là thần Kơđei – vị thần tối cao làm phép dùng cây to bịt kín cửa hang, từ đó hai thế giới cách biệt.

Tự tình của người nuôi hồn vợ

Đêm đầu trên đỉnh Sê San, chúng tôi tính vào rừng ma để gặp những người trong làng nuôi ma, nhưng chiều hôm ấy mưa tầm tã, ở chốn thâm sơn, muôn ngàn bất trắc có thể ập đến khiến mạng sống của con người vốn dĩ nhỏ bé càng mong manh.

Sáng trên đỉnh đèo cảnh trí thật vi diệu. Không gian thoáng đãng, phía xa xa mây trắng lượn lờ giữa lưng chừng non xanh cao vời vợi.

Hình ảnh mẹ địu con, các chàng trai cô gái lưng đeo gùi đang rõ nét đó bỗng nhạt dần trong sương và mất hút. Cảnh vật thật dễ khiến những ai yêu thích thiên nhiên thuần khiết mê đắm.

6 giờ sáng, sương còn dày, khí trời lạnh căm căm. Để chống lạnh, nhiều người trong buôn hút thuốc, mang rượu ra uống.

Mặt trời lên cao, sương tan, buôn làng vắng lặng, thanh niên trai trẻ vội vã vào rẫy, đi rừng. Làng chỉ còn người già và trẻ con.

Để giết thời gian chờ đến chiều tối đặng “mò” vào rừng ma, chúng tôi xoắn lấy các già làng hỏi han đủ chuyện rừng sâu núi thẳm ngày trước.

Cuộc trò chuyện trở nên sôi động khi có sự xuất hiện của anh Nay Xua (54 tuổi), người Xơ-Đăng, ở thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, có vợ người Jrai. Xua giới thiệu mình là người đam mê nghiên cứu văn hóa của các tộc người Tây Nguyên.

K’Sía đang đổ rượu thịt nuôi ma.

Theo anh Xua, anh từng nuôi ma cho vợ và đã bỏ mả. Thời gian đó, cứ đến chiều là anh cùng hai đứa con ra nhà mả quét dọn, có chuyện vui chuyện buồn trong ngày thì kể cho vợ nghe.

Rồi mình mang cơm, mang thịt ra để cho vợ ăn bằng cách đổ thức ăn vào cái ống được thông từ dưới huyện mộ lên. Ngày bỏ mả, anh mổ hai con trâu, một con bò kèm theo 20 ghè rượu để đãi làng, cúng ma.
Người phụ nữ này đang mang cơm cho người chết

Theo mô tả của anh Xua, nghi thức của lễ bỏ mả mà anh làm cho vợ được tiến hành khá đơn giản.

Hôm đó, gia đình đào một hố lớn từ phía ngoài nhà mồ đến chỗ quan tài rồi lấy tim, gan, đuôi của con vật hiến sinh cho vào lỗ ấy để cúng người chết.

Sau những lời khấn của thầy cúng và trưởng làng, chiếc hố ấy được lấp lại và mọi người tham dự lễ cùng nhau ăn thịt, uống rượu, vỗ cồng chiêng, nhảy múa đến tối mịt mới trở về.

Sau ngày bỏ mả, hồn người chết được sống vĩnh viễn cùng hồn ông bà tổ tiên. Từ đây hồn có cuộc sống khác, không còn liên hệ gì với người còn sống nên người sống không còn ra thăm mộ và nuôi ma nữa.

Cận cảnh… nuôi ma
Chiều ở núi rừng đến thật nhanh. Mặt trời bắt đầu xuống núi, thời khắc để chúng tôi vào rừng ma. Khi vào gần tới rừng ma, bất ngờ sự cố không mong đợi xảy ra.

Những thanh niên mà chúng tôi nhờ dắt đi mới vừa vui vẻ bỗng dưng sợ hãi một cách lạ kỳ. “Làng ma phía trước, tao không đi nữa. Mày tự đi đi”, anh chàng tên Siu (30 tuổi) sẵng giọng.

Sau phút bỡ ngỡ, hỏi ra mới biết người Jrai trên đỉnh Sê San cho rằng nghĩa địa chôn người chết là bất khả xâm phạm.

Một người nếu tự ý bước chân vào rừng ma khi chưa được phép của các Yang (thần linh) thì gây hại cho bản thân và người thân trong gia đình, dân làng cũng chịu cảnh vạ lây.

Hồn ma sẽ theo dấu chân người, hơi người về đến làng gây nên dịch bệnh, khiến nhiều người ốm rồi chết đau đớn!

Đường vào làng Dip.

Không có người dẫn đường, chúng tôi đành tự tìm vào chốn nghĩa địa hoang dại. Đó là khu đất trống nằm giữa rừng già, phía trước các mộ ở đây đều có những tượng mộc nhân ôm mặt buồn rũ rượi, mục nát theo nắng mưa.

Giữa chốn tha ma này, chúng tôi bắt gặp hai phụ nữ đến thăm và nuôi ma cho người bố Kiu Sek vừa mất.

Trong khi cô em gái Rơ Chăm Lem lặng lẽ quét dọn mả mồ, miệng lầm bầm thổ lộ với linh hồn của bố những chuyện buồn vui trong gia đình thì cô chị K’Sía lặng lẽ đổ rượu, nhét cá bắt từ suối vừa mới nướng cùng cơm lam nấu trong ống lồ ô đổ vào chiếc ống tre được cắm sâu xuống huyệt mộ.

“Ổng thích uống rượu với món này”, K’Sía nói.

Qua trò chuyện, chúng tôi mới biết thêm rằng, sau thời gian chôn ma, mỗi năm đến mùa hoa Pơ Lang nở (hoa gạo, thường nở vào tháng 3, mùa đẹp nhất Tây Nguyên, mùa trăm hoa đua nở và là mùa con ong đi lấy mật), người thân trong gia đình người chết sẽ ra rừng ma, đến mộ dọn sửa, phát hoang cỏ dại.
Việc này cứ được duy trì và chỉ kết thúc sau khi tiến hành lễ bỏ mả.

Ông Nguyễn Đại Hà, 52 tuổi, nguyên chủ tịch xã Ea Tam, huyện Krông Năng, Đắk Lắk, người có gần 20 năm tìm hiểu, nguyên cứu văn hóa, tín ngưỡng của người đồng bào ở Tây Nguyên, cho rằng: "Đời sống, văn hóa, tín ngưỡng của mỗi dân tộc đều khác nhau.

Cũng như các dân tộc khác, người Jrai cũng có phong tục, tập quán riêng của họ. Khi nhắc đến người Jrai, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến lễ bỏ mả.

Theo quan điểm của tôi, lễ bỏ mả của người Jrai là một tập tục lâu đời, không nên xoá bỏ, nó cũng như các lễ tục trong đám tang, lễ cải táng của người Kinh, Khmer…

Tuy nhiên, lễ bỏ mả của người Jrai thường rất tốn kém cho gia đình người chủ. Họ phải tốn trâu bò, heo, gà, rượu để cúng, để đãi đằng buôn làng.

Người giàu có thì không sao, người nghèo thì phải vay mượn, nợ nần không biết đến bao giờ mới trả xong. Cái cần thiết ở đây là, phải thuyết phục bà con người Jrai tiết kiệm trong lễ bỏ mả". 

theo Tiền Phong

Lời răn từ tiềm thức của người Sê San

Nếu hỏi bất kỳ người già Jrai sợ gì nhất, câu trả lời hẳn sẽ là “djai drăng” hiểu theo ngôn ngữ bản xứ chỉ những người “chết không được bình thường”.

Trên đỉnh đèo Sê San hùng vĩ, trong gió rừng xào xạc, giữa chốn ma thiêng thâm u đầy những “cống vật” lạ kỳ mà người sống chia của để hồn ma người chết làm tài sản ở thế giới bên kia, già làng Rơ-chăm nhót, để mình trần, dè dặt nói: “Dân làng ai cũng sợ djai drăng. Nếu làng có người bị djai drăng, phải kiêng cữ nhiều lắm, phải làm lễ cúng Yang (thần linh), cầu xin Yang thương không bắt phạt dân làng…”.

Thuộc địa phận xã vùng cao Ia M'nông (huyện Chư Pảh, tỉnh Gia Lai), đèo Sê San là con đường độc đạo hiểm trở bên vách núi dựng đứng, bên vực thẳm thâm sâu dẫn vào thế giới của tộc người Jrai bí hiểm sống tách biệt với thế giới bên ngoài. Nơi này, hơn 4 năm trước, chúng tôi đã có lần lạc lối khi lần tìm dấu tích của những mộc nhân được người bản xứ đẽo tạc từ thân độc mộc (cây rừng nguyên khối) nhằm làm bầu bạn, hay làm nô lệ cho các hồn ma người thân.

Bên trong một nhà ma giữa rừng già thâm u.

Bây giờ trở lại, Sê San của Ia M'nông vẫn như ngày nào, tách biệt, thâm u, huyền bí đến lạ kỳ, chìm trong sương mù dày đặc. Ở vùng rừng này, một lần nữa, chúng tôi khám phá luật tục mang tính "tín ngưỡng" lạ kỳ của người bản xứ dành cho những người chết chẳng may mang thân phận… "djai drăng".

1. Nếu hỏi núi rừng Tây Nguyên có nơi nào hàm chứa nhiều hiện tượng lạ kỳ, nhiều luật tục, tập tục lẫn hủ tục nhất, nơi đó hẳn là đèo Sê San dẫn vào thế giới của người Jrai của xã Ia M'nông. Cách trung tâm "phố núi" Pleiku gần 100km, đèo Sê San dài hơn 30km với vô số khúc cua tử thần, tầm nhìn ngắn, đường lên đèo biển cảnh báo nguy hiểm dày đặc…

Sê San cũng là chốn ít người tới lui. Ở lưng chừng đèo, những nóc nhà sàn cổ truyền của người bản xứ chìm ẩn trong sương mù, bóng người lầm lũi thoắt ẩn thoắt hiện trên những sườn núi đầy vẻ liêu trai!

Nhắc đến Sê San, là nhắc đến thế giới của những a-tâu (hồn ma) lạ kỳ gắn với tục làm hòm độc mộc, tục chia của cho ma, tục nuôi ma và nhất là tục chôn chung nhiều người trong cùng một huyệt mộ! Trong tiết trời cuối năm lạnh lẽo, trên hành trình rời Pleiku trở lại Sê San, những lần thám hiểm Sê San khám phá các luật tục của người Jrai sống ở đỉnh đèo tràn về ăm ắp, tôi nhớ đến cái lần ngồi bên con suối Among (tiếng bản xứ là con hổ, theo các già làng, sở dĩ suối có tên gọi ấy vì từng là nơi loài hổ ra uống nước ngắm trăng - PV) nghe các người già Jrai kể chuyện "nuôi ma".

Tôi nhớ đến cái lần được già làng Rơ-chăm Nhót, ngoài 70 tuổi khẳng định khi một người trút hơi thở cuối cùng, dù có được bỏ vào áo quan và chôn dưới đất, người thân và dân làng vẫn chưa xem người chết thực sự chết nếu tang chủ chưa làm nghi lễ "bỏ ma" (hay bỏ mả - PV) - nghi lễ cuối cùng mà từ đây, người sống sẽ không bao giờ quan tâm gì đến mộ phần của người đã khuất!

Các nhà nghiên cứu gọi lễ "bỏ ma" mà già làng Rơ-chăm Nhót đề cập là "pơthi". Còn có tên gọi là "hoă lui". Lễ pơthi hay bỏ ma là lễ nghi cuối cùng của một đời người, thường được tiến hành sớm nhất một năm kể từ khi tang chủ có người thân qua đời. Nhiều trường hợp đến hơn chục năm gia đình mới đủ điều kiện tiến hành lễ bỏ mả.

"Người chết sau khi được chôn, nó bị Thần Đất giam cầm dưới mặt đất. Khi nào gia đình đủ điều kiện làm lễ thì người chết mới được giải thoát, lúc đó nó mới được về chỗ atâu (thế giới hồn ma của ông bà tổ tiên - PV). Tùy điều kiện mà gia đình làm lễ bỏ ma lớn nhỏ. Nhưng thường thì mổ trâu, mổ bò, đãi dân làng ăn uống no say tại rừng ma giữa rừng" - già làng Rơ-chăm Nhót giải thích!

Cụ bà Thị Lệch.

Tôi đã mấy bận có cơ may được hòa mình trong thế giới đậm chất hồng hoang lẫn liêu trai của nghi lễ bỏ ma của người Jrai trên đỉnh đèo Sê San, và tại huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai). Cũng từ những trải nghiệm lý thú ấy mà tôi dần khám phá nhiều luật tục kỳ lạ trong tang lễ của người bản xứ như nuôi ma (người Jrai quan niệm, khi chưa bỏ ma, người chết vẫn còn sống, nên hằng ngày người thân trong gia đình ra nhà mồ đốt lửa cho ma sưởi ấm, mang cơm cá, rượt thịt nhét vào ống lồ ô được cắm thẳng xuống huyệt mộ gọi là cho ma ăn…), chôn chung (nhiều người thân trong gia đình chôn chung một áo quan hoặc một huyệt mộ)… Thú vị không kém là tục chia của cho người chết.

Ông Rơ-chăm Phiếu, nguyên Trưởng ban Mặt trận làng Vân (xã Ialy, giáp ranh với xã Ia M'nông) cho biết của cải mà người sống chia cho người quá cố là những vật dụng mà lúc sinh thời người quá cố thường sử dụng như xà gạc, gùi, tẩu hút thuốc, đồng hồ, xe máy, giường tủ…

2. Theo luồng đi của những cánh sơn tràng chuyên luồn rừng tìm các loại biệt dược cao sơn như hồng đẳng sâm, sâm đương quy, tam thất hoang, sâm đốt trúc (còn gọi sâm K5 hay sâm Ngọc Linh)… tôi lại có dịp thượng đỉnh đèo Sê San. Lần này, tại rừng ma ở làng Dip là nhiều chuyện lạ kỳ liên quan đến những hồn ma mang thân phận djai drăng hiểu theo tiếng Kinh là…. chết xấu!

Chết xấu theo lời của chị Rơ-chăm Lan, hơn 40 tuổi, lúc chị ra nhà ma của chồng là anh Rơ-chăm Phên, bỏ thức ăn vào ống lồ ô đặng "nuôi ma"… là những người chết không phải do bệnh tật, mà là chết đột ngột, chết bất đắc kỳ tử. Người chết kiểu như thế thường do lũ cuốn, cây đổ, đá đè, hổ vồ, trăn siết… Già làng Rơ-chăm Lên, ngoài 80 tuổi, lúc tôi ghé thăm ở đầu nguồn suối Sê-San tại làng Duch 1 (Ia M'nông - PV) giải thích sở dĩ người Jrai sợ chết xấu vì cho rằng đó là những cái chết do thần linh trừng phạt. Và đó là khởi đầu của những dịch bệnh, đói kém….

"Bị chết xấu, người nhà không được để xác trong làng, phải mang ra để ở bìa rừng. Lúc làm đám tang, chỉ người lớn tuổi là bà con trong dòng tộc dự thôi, thanh niên, trẻ con… không được dự. Người chết không được chôn trong nghĩa địa của làng, phải mang chôn nơi khác" - già làng Rơ-chăm Lên, nêu hàng loạt điều cấm kị trong quá trình làm tang ma cho người bị chết xấu.

Với người chết bình thường, người nhà sẽ cho vào miệng 7 hạt gạo (nếu là đàn ông, và 5 hạt gạo nếu là nữ). Tùy điều kiện mà tang lễ được tổ chức từ 1-3 ngày. Trong quá trình diễn ra đám tang, trống, cồng chiêng được nổi lên với thanh âm trầm hùng lay sông dội núi. Nghe tiếng chiêng tiếng trống báo tang, chẳng ai bảo ai, vậy là người trong làng của ít lòng nhiều, người mang con gà, người mang ghè rượu, người mang nải chuối, người góp sức góp công cho đám tang và ở thâu đêm với người chết!

Nhưng với người bị chết xấu hiểu theo tục djai drăng thì hoàn toàn khác biệt. Để tránh bị thần linh trừng phạt, tang chủ phải thực hiện nhiều cấm luật nghiêm ngặt có từ ngàn xưa. "Trong lúc làm đám tang, thầy cúng, già làng, gia đình không ai được khấn vái. Không được đánh chiêng, không làm nhà mồ. Sau một tháng, gia đình làm lễ bỏ ma, không được để lâu". Già làng Rơ-chăm Lên bảo vậy.

Không riêng gì già làng Rơ-chăm Lên, nhiều già làng khác ở làng Duch 1, làng Duch 2 và làng Dip ở xã Ia M'nông mà chúng tôi tiếp cận còn cho biết rằng trên hành trình tiễn đưa một người bị chết xấu theo luật tục djai drăng, nhất nhất tang chủ phải làm lễ cúng Yang, những mong lòng thành và sự cần khẩn của mình được Yang chấp nhận, cho hồn người chết được sớm về cõi atâu, và mong Yang không bắt phạt dân làng bằng việc gây ra thiên tai, địch họa!

Lễ vật dâng cúng linh thần của tang chủ có người thân bị chết xấu theo các già làng là tùy điều kiện gia đình người quá cố. Người khó khăn thì thịt lợn, người có điều kiện thì mổ bò…Việc cúng tế này là lễ nghi nhất nhất phải tiến hành, bằng không, làng sẽ trục xuất gia đình người chết ra khỏi cộng đồng. Lời cúng được vị chủ làng khấn, có nội dung như sau: "Yang cho chết xấu thì chết xấu/ Nó không có tội gì đâu/ Yang cho nó về với làng ma/ Đừng bắt phạt dân làng/ Chúng tôi sẽ cúng Yang đầy đủ". 
Nếu như tang lễ của một người chết bình thường diễn ra sôi động thì với người chết xấu, mọi việc chìm trong lặng lẽ.

3. Theo tâm tình của nhiều người già và dân làng, đó là những đám tang diễn ra trong buồn bã và lặng lẽ. Với đám ma như thế này, người chết buồn lòng đã đành, mà thân nhân của họ cũng chẳng khá gì hơn. Nhưng biết làm sao được. Đó là luật tục có từ ngàn đời!

Khi tôi hỏi về tập tục này, các già làng thường im lặng. Họ chẳng biết phải trả lời ra sao. Họ chỉ biết đó là quy định từ ngàn đời qua. Họ chỉ biết nếu một người chết không theo kiểu đau yếu dần rồi chết, nếu không chết theo kiểu đèn hết dầu thì tắt, thì đó là cái chết dữ. Cái chết như thế thì phải gắn liền với những cử kiêng, chỉ thế thôi!

Còn phải làm phép xua hồn người chết cho người chết xấu nữa!

Trong gió chiều rào rạt, cụ bà Rơ-chăm Thị Lệch hướng mắt về phía rừng ma của làng, trả lời như thế. Già bảo rằng phải làm phép xua hồn ma vì sợ hồn người chết xấu theo mùi người, theo hơi những người đưa tang vào làng, về tận nhà bắt những người khác cũng bị chết xấu như mình?

Phép xua hồn được làm theo nghi thức khi mọi người đưa tang xong, quay về làng, mọi người sẽ ghé nhà người bị chết xấu. Lúc này gia đình người chết để sẵn một nồi nước lớn, cạnh đó là đống lá cây tơngal. Rồi từng người đi đưa tang lấy cành lá cây nhúng nước rồi vẩy vào tay chân mình. Phải làm như vậy mới được về nhà. Nếu không sẽ bị ma theo dấu theo mùi gây hại!

Có một điểm chung duy nhất giữa tang lễ dành cho người chết bình thường và người chết xấu là nghi lễ hoă mnơi (kiêng tắm). Các già làng kể rằng sau đám tang, để tỏ lòng thương nhớ người thân qua đời, thường thì người chồng (hoặc vợ) sẽ không được tắm gội, không được cắt tóc, không được mặc quần áo mới, không được tham dự các cuộc vui ở chốn đông người… Rồi phải hạn chế tiếp xúc với người thân quen cũng như người làng, không đến nhà người khác và cũng không để ai đến nhà mình, tránh để người lạ trông thấy…

Thời gian kiêng cữ như thế thường là một tháng và chỉ chấm dứt khi tang chủ tiến hành nghi thức cúng tạ ở nơi chôn người thân. Sau nghĩ lễ hoă mnơi này, việc tái hôn của người chồng (hoặc vợ) chỉ được cho phép sau từ 2-3 năm kể từ ngày người thân qua đời!

Từ bây giờ đến tháng 3 âm lịch, Tây Nguyên bước vào mùa đẹp nhất, mùa hoa pơlang (hoa gạo) nở đỏ rực khắp các cánh rừng. Mùa hoa pơlang nở là lúc những gia đình người Jrai tiến hành lễ pơthi - bỏ ma người thân với ngày vui linh đình, rượu thịt được bày ra ê hề tại nhà ma của người chết, và mọi người cùng ăn uống, đánh chiêng, vui chơi thâu đêm suốt sáng mừng cho hồn người chết từ đây được giải thoát khỏi sự giam cầm của Thần Đất, được về sống chung với hồn ma tổ tiên.

N.T.D.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét