=> Học sinh lớp 6 chưa biết đọc, viết...

Phụ huynh ở TP Sóc Trăng "té ngửa" khi được giáo viên thông báo con họ học đến lớp 6 mà không biết đọc, viết. Có em bị trả về học lại chương trình lớp 1.

Chị Tô Thị Quỳnh Giao có con học xong chương trình tiểu học tại trường Tiểu học Lý Đạo Thành, TP Sóc Trăng. Năm học 2016 - 2017, hay tin con trai Lâm Sơn Vũ được tuyển vào lớp 6 ở một trường THCS trên địa bàn, chị rất vui.

"Mừng chưa lâu thì mấy ngày sau khai giảng, giáo viên chủ nhiệm mời tôi đến thông báo con tôi chưa biết đọc, viết nên không thể học lớp 6. Họ đề nghị cho cháu về lại trường cũ học chương trình lớp 1", chị Giao nói.

Kiểm tra thực tế khả năng của Vũ, nhiều người bất ngờ khi em không thể viết được tên của mẹ mình, dù được mọi người xung quanh đánh vần cho từng chữ.

Theo gia đình, trong hai năm Vũ học cuối cấp tiểu học, họ có phát hiện kiến thức của con không đạt nên yêu cầu trường cho em ở lại lớp, nhưng không được chấp nhận. "Trường nói con tôi đủ số điểm để lên lớp, chỉ cần phụ đạo thêm kiến thức là ổn, nhưng giờ sự việc ra thế này tôi cũng không biết phải làm sao", chị Giao tâm sự.

Trường Tiểu học Lê Hồng Phong có nhiều học sinh lớp 3 nhưng không biết đọc. Ảnh: Phúc Hưng

Bị từ chối nhận vào lớp 6, Vũ được trả về trường cũ và được nhà trường bố trí học lại, nhưng hiện em đã bỏ học.

Cô Nguyễn Huỳnh Ngọc Hạnh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lý Đạo Thành xác nhận về trường hợp của Vũ là có thật, đồng thời cho biết, khi tiếp nhận lại Vũ, trường khắc phục bằng cách mỗi buổi sáng cử một giáo viên kèm riêng cho em, bắt đầu từ chương trình lớp 1.

"Chúng tôi đang liên hệ với gia đình để vận động em tiếp tục đến trường", cô Hạnh nói và cho biết khâu kiểm tra chất lượng hàng năm được nhà trường làm rất kỹ lưỡng, nhưng trường hợp của Vũ là do một phần lỗi của nhà trường vì quá tin tưởng vào giáo viên.

Trường hợp của Vũ không phải là cá biệt ở TP Sóc Trăng, thầy cô giáo ở trường Tiểu học Lê Hồng Phong cũng đang đau đầu vì trường này có 8 em học lớp 3 mà không biết đọc, hơn 10 em đọc chữ còn phải đánh vần.

Hồi đầu năm học, nhiều học sinh được lên lớp 2 ở trường Tiểu học thị trấn Lịch Hội Thượng A (huyện Trần Đề, Sóc Trăng) cũng không biết đọc, viết nên phụ huynh làm đơn xin cho con ở lại lớp 1.

Các trường tiểu học trên đều đạt chuẩn quốc gia về giáo dục. Một số giáo viên cho biết, việc giao chỉ tiêu và áp lực của trường chuẩn quốc gia là rất lớn. "Cuối năm, mỗi lớp học sinh lưu ban không được quá một em. Đây cũng là nguyên nhân khiến giáo viên, nhà trường chạy theo thành tích mà quên đi chất lượng giảng dạy", giáo viên chia sẻ.

Trước thực trạng có nhiều học sinh cấp tiểu học không biết đọc, viết nhưng vẫn được lên lớp, trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Sóc Trăng Dương Thị Ngọc Diễm lý giải là do đặc thù của địa phương có đông con em đồng bào Khmer, khả năng tiếp thu của các em còn nhiều yếu kém, mặt khác do năng lực của giáo viên hạn chế.

"Phòng đã chỉ đạo các trường có biện pháp nhằm giúp học sinh phụ đạo thêm kiến thức, đồng thời giảng dạy theo tiêu chí chất lượng", bà Diễm nói.

Trao đổi với VnExpress, bà Nguyễn Thị Tuyết Hà, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, thừa nhận thực tế ở một số trường tiểu học trên địa bàn xảy ra tình trạng trên. "Việc này không riêng ở thành phố, mà ngay ở các vùng nông thôn cũng có nhưng chỉ chiếm số ít. Tuy nhiên, đây là sơ sót lớn cần được chấn chỉnh sớm", bà Hà nói và cho biết đã chỉ đạo ngành giáo dục tỉnh tăng cường đến cơ sở kiểm tra, tổng hợp để báo cáo đến UBND tỉnh.

Theo Phúc Hưng (VnExpress)


Học sinh lớp 2 trường đạt chuẩn không viết nổi tên mình

Trường đạt chuẩn quốc gia nhưng có nhiều học sinh lớp 2 không viết được tên mình. Ảnh: Phúc Hưng

Trường Tiểu học Thị trấn Lịch Hội Thượng A được công nhận đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1, và sẽ được tái công nhận đạt chuẩn cấp độ 2 trong thời gian tới khi cơ sở vật chất đảm bảo.Được lên lớp 2 nhưng nhiều học sinh trường Tiểu học thị trấn Lịch Hội Thượng A (Sóc Trăng) không biết đọc, viết nên phụ huynh làm đơn xin cho con ở lại lớp 1.

Năm học 2016-2017, điểm trường Tiểu học thị trấn Lịch Hội Thượng A, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) có 24 em trong danh sách lớp 2H. Đã vào học lớp 2 được hơn một tuần, nhưng nhiều em không thể đọc và viết. Qua khảo sát, giáo viên chủ nhiệm phát hiện chỉ có 4 em đọc và viết thành thạo.

"Tôi không tin khi nghe giáo viên thông báo, nhưng khi kêu con viết tên mình thì nó bảo chưa biết viết", chị Huỳnh Thị Phụng nói và cho biết đang xin hiệu trưởng cho con được ở lại lớp 1 trong năm học mới.

Học sinh ở điểm trường này chủ yếu là con em đồng bào Khmer. Do cuộc sống khó khăn, phụ huynh ít có thời gian quan tâm đến việc học của con, vì thế rất bất ngờ khi con học xong lớp 1 mà chưa viết nổi tên mình nhưng vẫn lên lớp.

Vợ chồng chị Trần Đa Ni (34 tuổi) có con gái học lớp 2H lo lắng vì không biết phải xin cho con ở lại hay để học tiếp lớp 2. "Tôi đến xin cho con xuống học lớp 1, giáo viên nói cứ cho nó học lớp 2 rồi thầy cô bồi dưỡng thêm", chị Ni nói. Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Thị trấn Lịch Hội Thượng A Huỳnh Thanh Quang cho biết đây thuộc điểm lẻ, là học sinh người dân tộc Khmer nên có nhiều khó khăn trong học tập, một số em không thể đọc và viết là có. "Nhà trường chưa kết luận cho các cháu lên lớp hay ở lại mà đang chờ khảo sát", ông Quang nói.

Nhiều học sinh đành bỏ giấy trắng vì không thể viết thời khóa biểu giáo viên chép trên bảng. Ảnh: Phúc Hưng

Trao đổi với VnExpress, bà Dương Thị Hương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trần Đề cho biết đã xuống trường kiểm tra và báo cáo đến Sở. "Lớp 2H chỉ có 3 học sinh không thể đọc và viết, còn 4 cháu khác có biết nhưng rất chậm, chứ không nhiều như giáo viên chủ nhiệm phản ánh. Do đây là đặc thù của học sinh lớp 1, nhất là con em dân tộc", bà Hương nói. Lý giải việc các cháu có tên trong danh sách lớp 2, người đứng đầu ngành giáo dục huyện cho biết đưa tên vào mới là bước chuyển giao. Trong hai tuần đầu giáo viên sẽ khảo sát để nắm tình hình, còn danh sách chỉ là tạm thời cho các cháu biết sẽ ngồi ở đâu trong đầu năm học mới.Phúc Hưng

1.700 tin nhắn ‘học ngu như bò’ được gửi tới phụ huynh như thế nào
16h22 ngày 25/9, phụ huynh có con theo học trường THCS Ba Đình (Hà Nội) nhận được tin nhắn từ đầu số sổ liên lạc điện tử nhà trường: “THCS Ba Đình: Con ông bà học ngu như bò. Tôi không hiểu ông bà có biết dạy con không nữa?". Lời lẽ miệt thị trong tin nhắn gây sốc cho người nhận.

Khoảng 7 giờ sau đó, Fanpage của trường đăng lời giải thích: “Chiều nay 25/9/2016, hệ thống sổ liên lạc điện tử của trường THCS Ba Đình bị hack, nhắn tin với nội dung xấu, gây hoang mang cho phụ huynh và ảnh hưởng đến nhà trường. Kính mong phụ huynh và các con thông cảm, chia sẻ với nhà trường về sự việc ngoài ý muốn này". 

Lời giải thích được đăng trên Fanpage trường THCS Ba Đình tối 25/9. 

Trao đổi với VnExpress chiều 26/9, thầy Hoàng Mạnh Hà, Phó hiệu trưởng trường THCS Ba Đình, cho biết tất cả phụ huynh trong trường đều nhận được tin nhắn có nội dung miệt thị. Nhà trường không gửi tin nhắn này, hiện công an đã vào cuộc để xác minh đối tượng làm ảnh hưởng uy tín của trường. Ngày 28/9, Công an quận Ba Đình, Hà Nội cho biết, vụ gửi tin nhắn hàng loạt tới phụ huynh trường THCS Ba Đình với nội dung miệt thị được xác định do hacker gây ra. Nghi can là người tốt nghiệp đại học, hiểu biết về công nghệ thông tin.

Chiều 25/9, cơ quan công an nhận trình báo của lãnh đạo nhà trường cho biết gần 16h30 cùng ngày tin nhắn từ "sổ liên lạc điện tử" của nhà trường đã gửi tới nhiều phụ huynh với nội dung: “Con ông bà học ngu như bò. Tôi không hiểu ông bà có biết dạy con không nữa?".

Lời lẽ miệt thị này khiến người nhận bất bình. Nhà trường sau đó đã xin lỗi phụ huynh, giải thích hệ thống bị tin tặc xâm nhập.

Tối 25/9 với sự hỗ trợ của Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50), Công an quận Ba Đình đã xác định được người tình nghi và tạm giữ.

Làm việc với nhà chức trách, nam thanh niên này đã thừa nhận hành vi, khai có mâu thuẫn với đơn vị cung cấp dịch vụ nhắn tin điện tử nên xâm nhập hệ thống để làm hại.

"Chúng tôi đã gửi tin nhắn điện tử đến phụ huynh của trường để họ biết vụ việc là do hacker tấn công", một cán bộ điều tra nói. Nhằm giảm uy tín của công ty cung cấp phần mềm cho trường THCS Ba Đình, Cường đã xâm nhập hệ thống quản lý sổ liên lạc điện tử, nhắn tin đồng loạt tới 1.700 phụ huynh.

Ngày 29/9, Công an quận Ba Đình đang tiếp tục làm rõ hành vi truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác của Nguyễn Việt Cường (kỹ sư tin học, 25 tuổi).

Bốn ngày trước, lực lượng chức năng phát hiện Cường là thủ phạm xâm nhập hệ thống sổ liên lạc điện tử của trường THCS Ba Đình, nhắn tin tới 1.700 phụ huynh với nội dung: “Con ông bà học ngu như bò, tôi không hiểu ông bà có biết dạy con hay không nữa”.Cường thừa nhận hành vi, khai là nhân viên của một công ty cung cấp dịch vụ sổ liên lạc điện tử cho trường THCS Ba Đình, có mật khẩu truy cập vào phần mềm quản lý.

Tháng 3, Cường nghỉ làm do mâu thuẫn với giám đốc. Để công ty mất uy tín, lãnh đạo nhà trường cắt hợp đồng, Cường chọn cách xâm nhập hệ thống dữ liệu để phá hoại.16h10 ngày 25/9, Cường truy cập vào trang bảo mật của công ty, chọn trường THCS Ba Đình rồi xoá, làm xáo trộn hàng loạt dữ liệu.Cường vào phần quản lý tin nhắn và gửi nội dung có lời lẽ miệt thị gây sốc đến toàn bộ phụ huynh sử dụng sổ liên lạc điện tử của trường. Trước sự cố trên, Ban lãnh đạo nhà trường đã xin lỗi phụ huynh, đề nghị cơ quan chức năng truy tìm thủ phạm.

Hoàng Việt- VnExpress

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét