=> Toa Giường Nằm Hạng Sang Đóng Trong Nước, không cần nhập từ TQ

Với toa tàu kiểu mới, hệ thống nhà vệ sinh chế tạo theo dạng môđun, bố trí hệ thống vệ sinh tự hoại công nghệ tiên tiến.

Sáng 2/9, toa tàu giường nằm do các kỹ sư thuộc Công ty cổ phần Xe lửa Dĩ An chế tạo với nội thất sang trọng, nhẹ hơn toa cũ khoảng 6 tấn được kéo từ Bình Dương về Xí nghiệp Toa xe Sài Gòn (TP.HCM) để kiểm tra lần cuối trước khi kết nối vào đoàn tàu SE4 (Sài Gòn - Hà Nội) chạy lúc 22h cùng ngày.

Các điểm mới của toa tàu tự đóng gồm sàn vách được làm bằng vật liệu composite màu trắng, toa được lắp van lò xo giảm chấn hạn chế được tiếng ồn.
Toa tàu do kỹ sư thuộc Công ty cổ phần Xe lửa Dĩ An chế tạo. Ảnh: TTO

Theo thiết kế, toa tàu gồm 28 giường nệm, mỗi phòng có 4 giường. Hệ thống chiếu sáng của toa tàu bằng đèn LED, mỗi giường được gắn một đèn cho khách đi tàu đọc sách. Trong phòng còn có hệ thống bấm còi thông báo cho nhân viên đường sắt biết cần giúp đỡ.

Ngoài ra, toa tàu được gắn một camera kết nối dữ liệu về phòng điều hành để theo dõi tình hình an ninh khu vực hành lang. Với toa tàu kiểu mới, hệ thống nhà vệ sinh chế tạo theo dạng môđun, bố trí hệ thống vệ sinh tự hoại công nghệ tiên tiến. Diện tích nhà vệ sinh được thiết kế đủ rộng, khắc phục được điểm yếu của các toa tàu cũ, bồn rửa mặt với vòi nước thiết bị cảm ứng và hệ thống sấy khô tay.

Theo Công ty cổ phần Đường sắt Sài Gòn, trước mắt công ty sẽ không điều chỉnh tăng giá vé khi đưa toa tàu giường nằm vào sử dụng. Trên website bán vé của ngành đường sắt, giá vé nằm mềm điều hòa tàu tuyến Sài Gòn - Hà Nội thời điểm này dao động 1,3 - 1,4 triệu đồng/vé.

Cũng trong sáng 2/9, một toa tàu 56 ghế ngồi mềm được nâng cấp thêm nhiều tiện ích đã được nối vào đoàn tàu SPT8 chở khách đến các điểm du lịch tại Phan Thiết (Bình Thuận). Giá vé ghế ngồi mềm máy lạnh (toa 56 ghế) khoảng 149.000 đồng/vé.

Theo Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, sau khi đưa hai toa tàu trên vào chạy thí điểm, đơn vị sẽ tiếp tục nâng cấp, cải tạo 37 toa xe cũ thành toa xe sang trọng. Ngoài ra, công ty tiếp tục phối hợp với Công ty cổ phần Xe lửa Dĩ An đóng mới 15 toa tàu mới.

Như vậy, bằng cách tự nâng cấp cải tạo những toa tàu cũ và chế tạo tạo mới đã mở ra một thời kỳ phát triển mới cho ngành Đường sắt Việt Nam. Điều này không chỉ giúp ngành Đường sắt nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn góp phần tiết kiệm chi phí, chủ động hơn trong việc bảo dưỡng và sửa chữa phương tiện. Và quan trọng hơn cả đó là Việt Nam sẽ không phải nhập những toa tàu cũ từ Trung Quốc nữa.

Trước đó, năm 2014 Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội đề xuất chủ trương nhập khẩu 164 toa xe hàng của Trung Quốc đã qua sử dụng. Tuy nhiên chủ trương này đã bị hủy bỏ do phát hiện tồn tại nhiều vấn đề về mặt quy trình.

Sau vụ việc này, ông Nguyễn Viết Hiệp, Tổng giám đốc công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội - người được cho là có sai phạm trong việc đề xuất mua 164 toa xe cũ TQ đã được Tổng công ty đường sắt Việt Nam điều động làm công tác mới từ 15/5. Ông Hiệp được chuyển sang làm Trưởng ban kế hoạch kinh doanh đường sắt, thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Còn ông Trịnh Ngọc Thành, Chủ tịch Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng, Hội đồng thành viên không vi phạm chủ trương, chính sách và quy định pháp luật liên quan về đầu tư toa xe hàng đã qua sử dụng nên không đề xuất hình thức xử lý kỷ luật. Đồng thời, ông Thành cũng không đề xuất hình thức xử lý kỷ luật lãnh đạo nào của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét