Lễ hội chọi trâu tại Hải Phòng
Theo thông tin vừa phát trên VTV1 thì họ cho rằng, dù cho đó là con vật, chúng cũng không đáng bị ngược đãi, phải chịu sự đau đớn từ các vết thương do con người gây ra. Đó là chưa kể có biết bao vụ bò tót của xứ sở này đã húc khán giả kinh hoàng khi dự xem đấu bò và có nhiều người chết rất tức tưởi cũng vì trò chơi rất không nhân văn này.
Điều đáng nói là đã có cả những đấu sĩ chuyên nghiệp cũng đã bị chết vì bị bò tót truy đuổi húc cho lòi ruột, thủng ngực... Quả thật, đây là một thông tin quá đỗi lạ lùng khi chúng ta được biết , chính quyền thành phố cũng đã buộc phải cam kết sẽ nghiêm túc nhìn lại chuyện này theo hướng sẽ chấm dứt trò chơi nguy hiểm trên .
Tuy nhiên, đây có thể sẽ là chuyện không thể một sớm một chiều mà dễ dàng huỷ bỏ bởi lẽ ai cũng hiểu về đất nước này, mỗi khi du khách quốc tế có dịp đến thăm, họ đều xem đây như là một bản sắc văn hoá riêng, không trộn lẫn với nước nào, rất thú vị và cần được thưởng thức tận mắt của đất nước này. Ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu không hề nhỏ từ du lịch đối với họ .
Song, có những điều tưởng như đã quá bình thường, nhưng theo lịch sử phát triển của nhân loại, nó không phải là thứ bất biến. Điều này có thể được lý giải, đó là do nhận thức của con người trong mỗi thời kỳ lịch sử khác nhau cũng sẽ khác nhau về thế giới quan trong hưởng thụ và ứng xử văn hoá theo hướng ngày càng văn minh hơn. Nó rất có thể sẽ khác đi khi người ta cho rằng đây là một thú vui phi đạo đức, nên lui vào quên lãng, không có cớ gì tồn tại mãi trong một xã hội nhân văn...
Quay lại chuyện ở nước ta. Tôi cũng không có con số cụ thể Việt Nam mình hiện có bao nhiêu địa phương tổ chức lễ hội chọi trâu hàng năm. Theo truyền thuyết thì lễ hội chọi trâu xa xưa nhất ở nước ta đã có từ thế kỷ thứ 2 trước công nguyên ở Hải Lựu, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc ngày nay. Nó bắt nguồn từ việc khích lệ tinh thần anh dũng, kiên cường cho tướng sĩ khi đánh quân nhà Hán sang chiếm nước Nam. Tuy nhiên, cũng phải sau này, kể từ khoảng năm 1990, khi lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn, Hải Phòng được phục hồi sau nhiều năm gián đoạn do chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ , các địa phương khác trong cả nước mới rầm rộ mở thêm kiểu như ở Chiêm Hoá, Tuyên Quang; ở Phù Yên, Sơn La; ở Nghĩa Lộ, Yên Bái...
Quả thật, khi tôi xem lễ hội này mở lại ở Đồ Sơn (1990), kể cũng hấp dẫn. Nhưng gần đây, tôi không xem nữa vì thấy nó cũng không vui thú gì bởi không muốn nhìn thấy cảnh tang thương khi thấy các chú trâu dù thắng hay thua trận đều bị xẻ thịt bán ngay sau khi lễ hội kết thúc.
Tôi vừa hỏi một người bạn ở Hải Phòng vốn là người có quen biết với các chủ sới thì được biết, thịt trâu tham gia thi đấu họ bán có khi với giá 4 triệu đồng/kg nếu gặp khách sộp, còn không cũng tới 3 triệu/kg, nếu đó là trâu vô địch (gấp trên chục lần giá thịt bình thường). Riêng "ông trâu" vô địch thì khoanh cổ sẽ được chủ trâu giữ lại đãi bạn bè, không bán. Loại trâu thắng, thua trong các trận đấu loại thì cũng chỉ kém tiền đôi chút, không nhiều. Loại thịt bạc nhạc, kém hấp dẫn đi nữa cũng phải gần cả triệu đồng/kg, không kém!
Lý do thịt trâu đắt đến vậy cũng là bởi công lao chăm chút trâu chọi cực kỳ công phu. Giống trâu thì vốn đắt đỏ vì tìm rất khó ưng mắt và để có khả năng sẽ được tuyển chọn thi đấu sau một thời gian tôi luyện thì cũng khá kỳ công. Khi đã được chọn chính thức, "ông trâu" sẽ được cho ăn loại cỏ đặc biệt (ngoài thuốc B1 thường xuyên dùng, thi thoảng còn được uống nước có pha mật gấu). Gần đây, nghe nói giống cỏ này đã rẻ hơn vì đã tự trồng được ở trong nước. Tuy nhiên, phải nói thực, cái giá đó gọi là đắt cũng có một phần là bởi tâm lý của người chơi, sẵn tiền, muốn được "hỉ hả" ăn thịt thứ trâu mà mấy phút trước vừa xông pha trận mạc và giành chiến thắng để lấy hên! Rồi thì có người còn mua để đem đi biếu, nhiều khi gọi là "quà quê" với sếp!
Năm trước, công chúng đã bàn luận khá nhiều về một lễ hội đâm lợn rất phản cảm và thiếu tính nhân văn. Tương truyền, cứ vào mùng 6 tháng Giêng âm lịch, hàng ngàn người dân lại tập trung về thôn Ném Thượng (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) để tham dự lễ hội chém lợn. Trong lễ hội này, người địa phương chọn ra những con lợn khoẻ mạnh, đẹp mã để làm vật hiến tế. Chúng bị chém phăng ra làm đôi, máu phun tung toé xung quanh trước sự chứng kiến của cả biển người... Nhiều người vừa sợ hãi lại vừa tò mò ngó xem.
Lễ hội này đúng là đã thu hút sự chú ý của hàng ngàn người dân và cả triệu người khác trên màn hình nhỏ lần gần đây. Tôi chưa được xem trực tiếp lần nào nhưng được biết, theo truyền tụng, có rất nhiều trẻ em từ các xã quanh đó (do các cháu được nghe nói lại) đã xô nhau chạy vào "trận địa", cố quệt cho bằng được tí máu lợn lên những tờ tiền rồi mang nó về nhà với niềm tin mơ hồ rằng tờ tiền kia sẽ mang lại may mắn cho mình cả năm... Dư luận cũng đã bất bình, thậm chí kịch liệt lên án vì cho rằng đây "là một trong những lễ hội tàn bạo nhất trên cả nước"!
Người dân thủ đô Madrid, Tây Ban Nha đang đòi nhà nước của họ chấm dứt trò chơi đấu bò tót truyền thống vốn tồn tại nhiều thế kỷ nay và từng được coi như một niềm hãnh diện của dân tộc, vì cho rằng nó đang bộc lộ sự thiếu nhân bản trong thế giới hôm nay. Họ đã xem nó là một nét không còn phù hợp nữa trong văn hoá vui chơi giải trí của dân tộc họ. Đó là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ lại về một vài lễ hội thiếu tính nhân văn của dân tộc ta. Liệu Việt Nam mình có nên tiếp tục những lễ hội kiểu như vậy nữa hay không? Câu hỏi này càng khiến tôi day dứt khi hôm 9.9 vừa qua, 2 ông trâu chọi kiểu gì mà rồi cả 2 chết tươi tại sân vì va đập quá hiểm khiến nhìn vào thấy thót tim.
Đánh giá, cân nhắc và quyết định sau cùng, tất nhiên xin nhường lại cho những người có trách nhiệm liên quan và các cơ quan quản lý văn hoá.
Quốc Phong
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét