Chu Ân Lai viếng đền Hai Bà, Mao Trạch Đông ca ngợi
Thực tế Hai Bà Trưng là người đầu tiên tái lập nước Nam sau nhiều năm bị người phương Bắc đô hộ, dù hai bà chỉ nắm quyền được 3 năm nhưng đó vẫn là một nhà nước có chủ quyền thực sự.
Dù vậy, cả chính sử Việt Nam lẫn Trung Quốc gần như ít viết hoặc tránh viết về Hai Bà Trưng. Đối với người Trung Quốc thì điều này khá dễ hiểu khi họ vốn coi hai bà là "phần tử nổi loạn" và bị hai phụ nữ đánh chiếm lấy lại hơn 60 thành trì quả thật là nỗi thẹn không nhỏ.
Vậy mà có một chi tiết đáng lưu tâm trên trang tờ Quang Minh nhật báo là tháng 7.1964, trong chuyến thăm Hà Nội, sau hội nghị 3 nước Việt Nam, Trung Quốc và Lào, Thủ tướng Trung Quốc khi ấy là Chu Ân Lai đã đến đặt vòng hoa tưởng niệm tại đền thờ Hai Bà Trưng.
Không chỉ Chu Ân Lai, Chủ tịch Trung Quốc khi đó là Mao Trạch Đông cũng hết lời ca ngợi Hai Bà Trưng là những nữ anh hùng vĩ đại.
Việc cùng lúc hai người người đứng đầu của nhà nước Trung Quốc hiện đại công nhận Hai Bà Trưng là anh hùng dân tộc của Việt Nam quả là sự lạ, khi các chế độ cầm quyền trước đây tại Trung Quốc luôn nhấn mạnh hai bà là quân phản loạn. Chủ yếu lý do là do phần lớn diện tích đất mà Hai Bà Trưng quản lý nằm sâu trong lãnh thổ Trung Quốc ngày nay, là vùng lãnh thổ xưa của các bộ tộc Bách Việt.
Tuy cử chỉ đặt hoa viếng mộ Hai Bà Trưng của Chu Ân Lai không được người dân Việt Nam biết đến nhưng phía Trung Quốc xem đây là "vết son ngoại giao", có phần thừa nhận sự bạo tàn của Mã Viện đàn áp cuộc khởi nghĩa ở Lĩnh Nam vào thời nhà Hán.
Cả Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai đều hết lòng ngưỡng mộ Hai Bà
Với sử Việt, Hai Bà Trưng được nhắc đến trong Đại Việt sử ký toàn thư của sử gia Lê Văn Hưu. Sử gia Lê Văn Hưu nhận xét: "Trưng Trắc, Trưng Nhị là đàn bà, hô một tiếng mà các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, cùng 65 thành ở Lĩnh Ngoại đều hưởng ứng, việc dựng nước xưng vương dễ như trở bàn tay, có thể thấy hình thế đất Việt ta đủ dựng được nghiệp bá vương. Tiếc rằng nối sau họ Triệu cho đến trước họ Ngô, trong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao? Ôi! Có thể gọi là tự vứt bỏ mình vậy".
Sử gia Nguyễn Nghiễm thời Lê trung hưng đánh giá: "Trưng Vương là dòng dõi bậc thần minh, nhân lòng dân oán hận, nổi giận, khích lệ người cùng chung mối thù. Nghĩa binh đi đến đâu gần xa đều hưởng ứng, 65 thành ngoài miền Ngũ Lĩnh một buổi sớm đều thu phục được, người dân chịu khổ từ lâu, không khác gì đã ra khỏi vực thẳm được thấy mặt trời. Bà quả là bậc anh hùng khí khái hơn người. Tuy rằng quân mới tập hợp, bị tan rã khi đã thành công, cũng làm hả được lòng căm phẫn của thần dân một chút... Khi đất nước bị chìm đắm, thì hầu như lại được khôi phục do một nữ chúa ở Mê Linh. Lúc đó bậc con trai mày râu phải cúi đầu ngoan ngoãn tuân theo không dám làm gì, chẳng đáng thẹn lắm sao?"
Sau này vua Tự Đức cũng nhắc tới Hai Bà Trưng trong Khâm định Việt sử Thông giám cương mục rằng "Hai Bà Trưng thuộc phái quần thoa, thế mà hăng hái quyết tâm khởi nghĩa, làm chấn động cả triều đình Hán. Dẫu rằng thế lực cô đơn, không gặp thời thế, nhưng cũng đủ làm phấn khởi lòng người, lưu danh sử sách. Kìa những bọn nam tử râu mày mà chịu khép nép làm tôi tớ người khác, chẳng những mặt dày thẹn chết lắm !".
Những sử liệu này chỉ nhắc về chuyện Hai Bà Trưng nổi dậy, chiếm được 65 thành trì và bị Mã Viện đánh bại. Có nhiều nguyên nhân cho việc này, chủ yếu đến từ việc nước ta kể từ khi lấy lại nền độc lập, việc tập hợp sử sách không hề dễ dàng, các quan thái thú phương Bắc khi đô hộ rất tích cực trong việc thủ tiêu lịch sử nước nam. Tuy nhiên, họ không thể tiêu diệt được những lời dân gian truyền miệng. Bên cạnh các ghi chép lấy từ sử liệu phương Bắc thường sơ sài và thiếu khách quan thì các huyền sử ghi về Hai Bà Trưng cũng được ghi chép để ca tụng công đức Hai Bà Trưng.
Thời Trần, Lý Tế Xuyên người khi đó giữ chức Thủ đại tạng thư, Hỏa chính trưởng trung phẩm, Phụng ngự, An Tiêm lộ chuyển vận sứ thời vua Trần Hiến Tông (tại vị 1329-1341, đặt niên hiệu là Khai Hựu) và là chuyển vận sứ lộ An Tiêm (Thanh Hóa) viết Việt điện u linh tập đề cao vai trò của Hai Bà Trưng.
Việt điện u linh tập tuy không phải là một sử liệu khi nó mang dáng dấp tâm linh nhiều hơn, nhưng nó cho thấy cái nhìn dân gian của người Việt cũng như của hậu bối đối với những vị thần bảo hộ đất nước mà triều Trần khi đó lập đền thờ phụng.
Chuyện phụng thờ Hai Bà Trưng được Việt điện u linh tập kể lại như sau:
"Vua Anh Tông nhà Lý, nhân trời đại hạn, khiến thiền sư Tịnh Giới đến đền cầu mưa, quả được mưa, khí mát buốt người.
Vua mừng liền qua xem, hốt nhiên ngủ mộng thấy hai thiếu nữ mặt hoa mày liễu, áo lục quần hồng, mão đỏ, thắt lưng, cỡi ngựa sắt theo mưa mà chạy ngang.
Vua lấy làm lạ mới hỏi. Đáp rằng: - Thiếp là chị em Nhị Trưng đây, vâng mệnh Thượng đế xuống làm mưa.
Vua tỉnh dậy mà cảm, sắc phong trùng tu từ vũ, rồi sắm lễ vật đến tế, sai sứ rước về phía Bắc Đại nội, dựng đền Vũ Sư mà thờ phụng.
Sau lại thác mộng cho vua xin lập đền thờ ở làng Cổ Lai, vua nghe theo, sắc phong Trinh Linh Phu Nhân. Năm Trùng Hưng (Trần Nhân Tông) thứ tư, phong bà chị là Chế Thắng phu nhân, năm Hưng Long (Trần Anh Tông) thứ hai mươi mốt, gia thêm hai chữ Thuần Trinh. Lại gia phong thêm cả bà chị và bà em hai chữ Bảo Thuận, thường thường vẫn có linh ứng".
Từ câu chuyện được chép trong Việt điện u linh tập cho thấy phải đến thời vua Lý Anh Tông thì Hai Bà Trưng mới chính thức được thờ phụng. Khi ấy, hai bà được triều Lý suy tôn là thánh thần và mang điềm lành đến cho dân (ban mưa).
"Từ xưa cho đàn bà là âm nhu, ở về hào lục ngũ, như bà Lữ Trì (vợ Lưu Bang) nhà Hán, bà Võ Anh (Võ Tắc Thiên) nhà Đường vẫn thường hiệu lệnh thiên hạ, hét nạt gió sấm, nhưng đều nhờ nghiệp cả của Tiên đế, khinh bỉ Tự quân là trẻ con, dùng oai lực ngự hạn kẻ dưới, rốt cuộc cũng chỉ là kẻ có tội muôn đời.
Trái lại hai Phu nhân đây, đem một lữ đoàn binh sĩ, một mai mà hạ năm mươi sáu thành, dũ xiêm Bách Việt, trở mặt phương nam mà xưng Cô (cùng với Triệu Vũ đế (Triệu Đà), Lý Nam Đế (Lý Bí) không hơn không kém, khiến cho đời sau đều tôn xưng là Vương.
Tuy chẳng chịu theo kế hoạch của người (ý trời) mới có trận thua ở Cấm Khê, mà cái khí tượng chính đại quang minh đã bao trùm cả khoảng trời đất, khiến cho người đời thán mộ và hăng hái thêm thì con gà mái gáy buổi mai của nhà Hán, nhà Đường có đáng làm đứa thị tì đội dung quan, mặc lục y đẩy xe cho hai bà hay không?", Lý Tế Xuyên dành lời bình luận đầy ngưỡng mộ với Hai Bà Trưng.
Thiên Hà
Hội Đền Hai Bà – Quay Ngược Dòng Lịch Sử
Lịch sử vẻ vang của một dân tộc kiên cường trước kẻ thù xâm lược khiến trái tim bao thế hệ con rồng cháu tiên Việt Nam luôn tự hào. Ngược dòng thời gian trở về đất Mê Linh cổ xưa, ta lại nghe vang lên thanh âm giục giã của tiếng trống, tiếng kèn, tiếng hồ hởi từ đoàn quân Hai Bà Trưng khải hoàn chiến thắng trở về. Để ngày nay mỗi khi hội đền diễn ra, lòng lại khắc khoải tưởng nhớ đến hai vị nữ anh hùng oanh liệt của nước nhà.
Giúp dân dẹp loạn trả thù mình
Chị rủ cùng em kết nghĩa binh
Tô Ðịnh bay hồn vang một trận
Lĩnh Nam mở cõi vững trăm thành.
Đền Hai Bà tại Mê Linh, Hà Nội - Ảnh: denhaibatrungmelinh
Nổi bật với tấm bia khắc ghi lời thề của Hai Bà - Ảnh: denhaibatrungmelinh
Công đức của Hai Bà Trưng được người đời sau luôn ghi lòng tạc dạ, thế nên ở nhiều nơi đã lập đền thờ để tưởng nhớ hai bà. Trong đó, có 103 nơi thờ Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh vào mỗi năm. Nhưng với người con đất Việt, có lẽ Hội đền Hai Bà Trưng ở Mê Linh là có ý nghĩa hơn cả. Bởi đây không chỉ là quê hương của hai người con gái làm nên lịch sử vẻ vang ấy, mà còn là nơi ghi dấu cho một giai đoạn chiến đấu anh dũng của cuộc khởi nghĩa toàn dân. Hội đền Hai Bà Trưng diễn ra ở Mê Linh vào ngày mùng 6 đến mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm, thường có tên gọi khác là hội Hạ Lôi.
Có về thăm hội Hạ Lôi
Tháng Giêng mùng 6 cho tôi đi cùng.
Hội đền Hai Bà diễn ra quy mô lớn tại Mê Linh - Ảnh: denhaibatrungmelinh
Lễ hội đền Hai Bà Trưng được tổ chức gồm nhiều phần theo nghi lễ nhà nước và địa phương như: dâng hương, rước kiệu và tế lễ, bên cạnh đó là những hoạt động dân gian truyền thống, diễn xướng lại chiến tích oai dũng năm xưa của hai bà để tưởng nhớ cũng như tạo ra nét đặc sắc cho du khách tìm hiểu.
Theo thông lệ cứ 5 năm một lần vào các năm có con số 0 và 5 ở đuôi, hội đền Hai Bà Trưng lại diễn ra đầy đủ các nghi thức và quy mô tổ chức cũng được mở rộng nhất. Hội đền Hai Bà Trưng là dịp để mỗi chúng ta cùng nhìn lại các giá trị và giáo dục tinh thần để thế hệ trẻ tiếp tục biết ơn, nối dõi các truyền thống quý báu ấy.
Hội đền là nét đẹp truyền thống của dân tộc - Ảnh: denhaibatrungmelinh
Lễ rước kiệu tại Hội đền Hai Bà Trưng ở Mê Linh diễn ra có nhiều điểm khác biệt so với những nơi khác. Trong đình làng, hình ảnh của Hai Bà Trưng, bốn vị Thành hoàng làng và Thánh Cốt Tung – một vị danh tướng từ thời hùng Duệ Vương sẽ được xếp ngay ngắn, khi trống kèn nổi lên, nghi thức rước kiệu bắt đầu. Kiệu của bà Trưng Trắc sẽ đi trước nhưng đến khi tới cổng làng thì sẽ diễn ra lễ “giao kiệu” để bà Trưng Nhị dẫn đầu và khi quay ngược lại vào cổng đền để kết thúc lễ rước kiệu thì kiệu bà Trưng Nhị lại lùi về phía sau để kiệu chị đi trước với ý nghĩa to lớn “Nội gia tỉ muội, ngoại quốc quân thần”.
Trong quá trình đổi kiệu, những người khiêng không cùng nhau thực hiện mà từng vai một sẽ đổi để tạo ra hình sóng lượn dập dìu cùng với cờ súy như con rồng đang nhảy múa trong tiếng nhạc vang dội, uy nghiêm.
Lễ rước kiệu Hai Bà - Ảnh: denhaibatrungmelinh
Long trọng và uy nghiêm - Ảnh: denhaibatrungmelinh
Tiếp đến là lễ mít tinh và dâng hương cộng đồng. Đội tế gồm 18 người mà người chủ tế là vị cao niên lớn tuổi nhất tại Mê Linh. Tổng cộng có 5 tuần tế như thế, xen kẽ mỗi tuần tế là nhạc ca của 12 giọng thanh tân thiếu nữ hòa cùng điệu múa từ 18 thiếu nữ trong bộ trang phục truyền thống mang đến cho không gian hội đền Hai Bà Trưng những ấn tượng khó phai.
Cán bộ lãnh đạo và người dân tham gia lễ dâng hương - Ảnh: Sưu tầm
Bằng tấm lòng thành kính của thế hệ đi sau - Ảnh: Sưu tầm
Phần hội diễn ra bên ngoài đền sôi nổi, náo nhiệt luôn thu hút phần lớn sự hiếu kỳ và thích thú của du khách mỗi khi đến Mê Linh vào dịp Hội đền Hai Bà Trưng. Sân chơi gồm rất nhiều trò chơi thú vị từ đấu vật, cờ tướng, đu tiên, chọi gà, bịt mắt bắt dê,… để phục vụ cho cả người lớn lẫn trẻ em. Trò nào cũng hấp dẫn cả người chơi lẫn người cổ vũ tạo nên một khoảng không nhiều niềm vui với tiếng cười rộn rã.
Hội đấu vật dù là nam - Ảnh: denhaibatrungmelinh
Hay nữ đều thu hút đông đảo người dân tham gia cổ vũ - Ảnh: denhaibatrungmelinh
Bên cạnh đó, chương trình văn nghệ kỷ niệm với nhiều tiết mục, kể cả những câu hát quan họ cũng được cất lên trong Hội đền Hai Bà Trưng mặc dù nơi đây không phải là gốc gác của làn điệu này “Ăn một miếng trầu, không ăn cầm lấy cho nhau vừa lòng,…”. Và để phục vụ du khách một cách tốt nhất khi tham gia vào Hội đền Hai Bà Trưng, các gian hàng ăn uống cũng như lưu niệm đã được bày bán xung quanh khu vực của lễ hội.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật trong Hội đền Hai Bà - Ảnh: Sưu tầm
Một đoạn ngắn của lịch sử, của một niềm tự hào mãnh liệt từ thế hệ đi sau, một khúc khải hoàn ca mà dù cho năm tháng có đi qua, dấu ấn đó vẫn mãi nằm trong tâm tưởng của mỗi người con đất Việt. Để mỗi độ xuân về, lòng lại thổn thức mong chờ đến ngày Hội đền Hai Bà Trưng – nơi lưu giữ giá trị truyền thống, nơi hiện hữu bao thông điệp nhắc nhở đến muôn đời sau.
Nghìn xưa vạn kiếp oai nghiêm
Nghìn sau hậu thế tri ân tôn thờ
Khí thiêng lồng lộng đến giờ
Anh linh nữ kiệt Hai Bà Trưng Vương.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét