=> Cha mẹ truyền đạt những thông điệp dễ làm trẻ hiểu sai.

Chuyên trang dạy con Care thống kê 15 câu mà cha mẹ không nên nói với trẻ. 

Kiểm tra bạn có mắc lỗi không bằng cách xem mỗi tình huống dưới đây, bạn thấy câu nói nào là đúng?

Câu 1. Khi con đạt thành tích tốt
Bố/mẹ tự hào về con.
Chúc mừng con.
Tiến sĩ Carl Pickhardt, nhà tâm lý học và tác giả cuốn sách Surviving Your Child's Adolescence, nói rằng bạn không nên đơn giản buông ra một câu khuyến khích kiểu phủ đầu như thế, bởi vì trẻ sẽ cảm thấy phải có trách nhiệm với niềm tự hào của cha mẹ kể từ đó (Con phải cư xử thế nào cho cha mẹ tự hào đấy nhé).
Thay vào đó ông khuyên, sẽ tốt hơn khi cha mẹ trả niềm tự hào đó cho chính đứa trẻ, bằng câu nói "Chúc mừng con".

Câu 2. Muốn khen con
Con giỏi quá.
Khen cụ thể hành động của con.
Nhà tâm lý xã hội đồng thời là tác giả nhiều cuốn sách bán chạy - Tiến sĩ Susan Newman chia sẻ rằng: "Khi bạn tập trung vào cách bé đã làm để đạt được thành công thì điều này sẽ giúp ích xây dựng lòng tự trọng của trẻ hơn".
Thay vì nói "Con giỏi quá", hãy nói theo cách sau:
- Khi con mang về những bài kiểm tra điểm cao: "Con toàn được 10 điểm, con đã học rất chăm phải không?".
- Đội của trẻ chiến thắng: "Mẹ thích cách con chuyền bóng qua cho đồng đội để bạn ấy có thể ghi điểm lắm".
- Con bạn vẽ được một bức tranh dễ thương: "Làm thế nào con tô được những màu đẹp thế?" hay "Con vẽ bức tranh này như thế nào, chỉ cách mẹ với?".
"Cha mẹ hành xử như trên khiến bé nghĩ về quá trình và những công việc để hướng tới mục tiêu. Còn những câu nói như: Làm tốt lắm, con mẹ thật thông minh, con rất tuyệt vời và những câu tương tự vậy nghe lâu sẽ chẳng mang lại bất cứ tác dụng nào cho trẻ", tiến sĩ Newman nhận xét.


Câu 3. Con lớn của bạn không ngoan ngoãn
Con phải làm gương cho em chứ.
Em con ngưỡng mộ con lắm, con thật là tấm gương tốt.
Khi con lớn của bạn hư, làm những việc khiến bạn không hài lòng, nhiều ông bố bà mẹ sẽ nói câu như trên, mà không biết là chúng chỉ khiến trẻ tự ti, ganh tỵ hơn mà thôi.
Để hạn chế điều này, tiến sĩ Katharine Kersey, chuyên gia giảng dạy về giáo dục trẻ sớm tại Đại học Old Dominion ở Verginia (Mỹ) khuyên rằng: "Hãy khen ngợi những đứa trẻ lớn và ghi nhận tầm quan trọng của chúng đối với các em: "Em con ngưỡng mộ con lắm, con thật là một tấm gương tốt!".

Câu 4. Lúc con hư

Chờ bố/mẹ về thì con biết tay.
Con sẽ bị cấm túc một tuần vì nói hỗn.
Đây cũng là điệp khúc hay gặp trong các gia đình. Bạn cần hiểu rằng bố và mẹ đều bình đẳng và người này không nên lấy người kia ra để dọa con hay phạt con. Hãy gắn bó mọi thành viên trong nhà thành một khối chứ không phải là tách một người ra để hù trẻ em.
Thay vào đó nên nói "Con sẽ bị cấm túc một tuần vì nói hỗn". Và thêm nữa là bạn cũng đừng trì hoãn việc trách phạt, hãy làm ngay và luôn.

Câu 5. Lúc con gây ra lỗi kinh khủng
Bố/ mẹ không bao giờ tha lỗi cho con.
Con đã làm một việc rất tai hại nhưng bố mẹ sẽ cố bỏ qua việc này.
Khi con bạn gây ra một việc kinh khủng, có thể bạn không kiểm soát được và nói ra những lời gây tổn thương trẻ nghiêm trọng. Hãy hít một hơi thật sâu và chờ đến khi bình tĩnh lại rồi mới nói. Nói những điều như 'Bố mẹ sẽ không bao giờ tha lỗi cho con' chỉ khiến trẻ bị tổn thương nặng nề. Chúng sẽ cảm tưởng dù sau này có làm gì đi nữa thì bố mẹ cũng không thể quên hay tha thứ cho lỗi lầm hôm nay.
Sẽ tốt hơn nhiều nếu cha mẹ nói với trẻ thế này: "nhưng chúng ta sẽ tìm cách bỏ qua việc này và tiếp tục mọi việc như bình thường".


Câu 6. Khi trẻ hành xử khiến bạn xấu hổ
Bố mẹ xấu hổ vì con.
Mặc dù bố mẹ không vui chút nào vì việc con đã làm, nhưng chúng ta vẫn yêu con.
Cả tiến sĩ Pickhardt và Kersey đều đồng ý rằng câu nói trên quá tiêu cực, nó có thể khiến trẻ cảm thấy mình là một nỗi ô nhục của gia đình và chắc rằng câu này sẽ ám ảnh trẻ ghê gớm.
Tiến sĩ Kersey khuyên sẽ tốt hơn nếu bạn nói với con rằng: "Mặc dù bố/mẹ cảm thấy không vui chút nào vì những gì con đã làm, nhưng mà bố/mẹ vẫn yêu con".

Câu 7. Lúc trẻ sợ hãi

Có gì mà con phải sợ vậy, đừng lo lắng lung tung.
Bố mẹ đây. Đừng sợ, chúng ta sẽ cùng lập một kế hoạch để chống lại nó nhé.
Gặp một việc gì đó, em bé của bạn lo sợ, dù cho đó chỉ là sợ những cái vớ vẩn. Nhưng lúc đó bạn đừng chỉ gạt ngang nỗi lo của trẻ bằng câu nói "Có gì mà con phải sợ hãi vậy, đừng lo lắng lung tung", hãy chỉ cho con thấy cách để đương đầu mọi việc. Tiến sĩ Newman lưu ý rằng: "Sẽ tốt hơn khi bạn giải thích cho trẻ hiểu rằng bạn sẽ làm mọi thứ để bảo vệ chúng an toàn".
Hãy thử câu: "Bố mẹ đây. Đùng sợ con, chúng ta sẽ cùng lập một kế hoạch để chống lại nó nhé".

Câu 8. Trẻ làm việc lóng ngóng

Vướng tay, thôi để mẹ làm cho.
Hãy thực hiện cùng nhau nào.
Các bậc cha mẹ thường dễ thấy phiền khi con mình không hoàn thành một việc trôi chảy hoặc gặp khó khăn khi làm bài về nhà nên hay dùng câu này. Thay vì thế, hướng tới việc cha mẹ và con cái có thể làm cùng nhau, hỗ trợ nhau. Kersey gợi ý nên nói "Hãy thực hiện cùng nhau nào".


Câu 9. Trẻ buồn
Sao phải khóc, nín đi.
Mẹ biết con buồn vì... Con cứ khóc đi.
Khuyến khích trẻ thể hiện cảm xúc của mình là một điều rất quan trọng, đừng ép con bạn trở nên chai sạn. Hãy giúp trẻ nhận ra những cảm xúc của mình và cởi mở bộc lộ những cảm xúc đó.
Tuy việc trẻ khóc có thể khiến bạn bực mình nhưng cũng đừng quên bé đang chịu tổn thương và cần được chở che, an ủi. Hãy nói: "Mẹ biết con buồn vì bạn Ngọc vừa chuyển trường. Con cứ khóc đi. Đã có mẹ ở đây".

Câu 10. Trẻ tò mò giới tính
Mới tí tuổi mà con đã tò mò cái này.
Trả lời trung thực cho trẻ nhưng hợp độ tuổi.
Những câu hỏi nhạy cảm từ trẻ như: Em bé xuất hiện như thế nào, thủ dâm là gì thường khiến các bậc cha mẹ lo lắng khi phải đối mặt. Đừng gạt câu hỏi đi hay lảng tránh bằng câu nói "Lớn lên con sẽ hiểu".
"Tò mò về tình dục là bình thường và cha/mẹ phải trả lời mọi câu hỏi của con", tiến sĩ Pickhardt khuyên. Hãy trung thực và khéo trả lời sao cho phù hợp với độ tuổi hiểu biết của trẻ.

Câu 11. Lúc trẻ biếng ăn
Nếu con ăn hết bát này thì sẽ được ăn bánh.
"Con phải ăn cơm để cao lớn và sức khỏe. Ăn bánh tráng miệng sau bữa ăn sẽ tốt cho con hơn".
Đừng nên nói: 'Nếu con ăn hết bát này thì sẽ được ăn bánh'
Đây là câu nói quen thuộc của các bậc cha mẹ. Tuy nhiên đừng dùng món tráng miệng như một phần thưởng cho trẻ vì như thế bạn đã gửi đi thông điệp là có những đồ ăn ngon và không ngon.Hãy dùng câu này: "Con phải ăn cơm để cao lớn và sức khỏe. Ăn bánh tráng miệng sau bữa ăn sẽ tốt cho con hơn"


Câu 12. Lúc trẻ lười biếng
Con mà không dọn phòng thì ăn đòn no đấy.
Khi dọn sạch phòng con có thể đi chơi.
Đây lại là một câu dọa nạt trẻ và thực sự thì nó chẳng mang lại tác dụng gì. Kersey khuyên dùng "Khi phòng con được dọn sạch thì con có thể đi chơi". Cái hay trong câu sau này là nhấn mạnh vào viễn cảnh tươi đẹp khi trẻ thực hiện xong việc.

Câu 13. Khi trẻ thất bại trong kỳ thi

Cha/mẹ thất vọng về con.
Cha/mẹ thấy kinh ngạc và thật không mong điều này xảy ra.
Không nên nói 'Cha/mẹ thất vọng về con' khi trẻ thất bạiCon bạn vừa trượt kỳ thi rồi bạn nói câu trên? Tiến sĩ Pickhardt cho rằng nói những câu cứng rắn và gây tổn thương như trên có thể khiến trẻ cảm thấy mình không còn được cha mẹ yêu thương nữa. Trong trường hợp này hãy động viên trẻ: "Cha/mẹ thấy kinh ngạc và thật không mong điều này xảy ra".

14. Khi trẻ chậm trễ

Lại đây, ngay.
Đến giờ đi rồi. Con cần một hay hai phút nữa nào?
Lúc đang vội mà bạn nói con "Lại đây, ngay" là sai lầm
Tiến sĩ Kersey tin rằng sẽ tốt hơn nếu bạn cho trẻ thời gian để đáp lại mong muốn của bạn, thay vì liên tục thúc giục. Ông khuyên dùng: "Đến giờ đi rồi. Con cần một hay hai phút nữa nào?"

15. Trẻ không nghe theo lời bạn

Mẹ nói thế nào thì con làm theo thế ấy đi.
Giải thích cho con hiểu tường tận tại sao không được làm việc đó.
Dù bạn có nói gì với trẻ đi nữa, điều quan trọng là hãy nghĩ kỹ rồi nói. Hãy hiểu lũ trẻ đang trong độ tuổi tò mò và hiếu động, lại cũng rất nhạy cảm. Đừng vì để một câu nói của bạn làm hỏng đi tương lai của con.
Đây có lẽ là câu mà các bậc cha mẹ hay nói nhất nhưng bạn nên tránh câu này. Nó là một câu thể hiện quyền uy của cha mẹ nhưng lại lấy hết mọi sự tự lập của trẻ. Bạn không thể lúc nào cũng có thời gian giải thích lý do cho con, nhưng nên cố gắng tạo giải thích cụ thể để trẻ thấy tại sao bạn yêu cầu trẻ nên làm (và không nên làm) điều gì đó.
Dùng câu này: "Mẹ/cha biết con rất muốn tới thăm bạn Bình chiều nay, nhưng mẹ phải giặt đồ và cần con giúp mẹ. Con tới chơi nhà bạn ấy vào ngày mai nhé?"
Dù bạn có nói gì với trẻ đi nữa, điều quan trọng là hãy nghĩ kỹ rồi nói. Hãy hiểu lũ trẻ đang trong độ tuổi tò mò và hiếu động, lại cũng rất nhạy cảm. Đừng vì để một câu nói của bạn làm hỏng đi tương lai của con.

Theo B.Nhiên (VnExpress.net)

5 mẹo lạ lùng dạy con ngoan của nhà tâm lý

Tôi đã thử khen ngược việc mà con không làm, và hiệu quả thật là... sốc.

Natasha Daniels là một nhà trị liệu tâm lý trẻ em người Mỹ và tác giả cuốn sách How to Parent Your Anxious Toddler. 
Bà mẹ 3 con này cũng là một cây viết về đề tài nuôi dạy con trên nhiều trang như Scary Mommy, Child Mind Institute, The Mighty... 

Bài viết dưới đây, bà chia sẻ 5 cách đã áp dụng thành công với các con mình, giúp trẻ biết lễ phép và vâng lời. 

Là bố mẹ, chúng ta được nhận rất nhiều lời khuyên khi nuôi dạy con. Tuy nhiên, không phải cách nào cũng hữu ích. Có ba con, tôi thấy có những cách hiệu quả với bé này nhưng lại phản tác dụng với bé kia.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm làm mẹ, tôi thấy có 5 mẹo lạ, nghe có vẻ vô lý nhưng thực sự lại rất hiệu quả, ít nhất là trong gia đình tôi. Chúng có thể không hữu hiệu với con bạn bởi mỗi đứa trẻ là duy nhất và rất khác biệt, nhưng bạn cứ thử tham khảo xem sao.

Ảnh minh họa: Thescientificparent.

Sử dụng những bài hát để trẻ làm việc bạn muốn
Tôi hay hát to để đánh thức các con dậy, hát khi muốn con đi tắm, khi cần con đi ngủ. Lời bài hát tôi tự chế, giọng thì cũng chẳng hề hay nhưng nó giúp tôi đạt được mục đích.

Và một ích lợi nữa là tôi đỡ phải cằn nhằn các con. Trẻ thích nghe hát và tôi không phải la mắng, hò hét. Khi con sắp đến giờ ngủ, phải đi đánh răng, nghe tôi hát là bọn trẻ đã biết điều gì sắp xảy ra và đáng ngạc nhiên là nó khiến một ngày diễn ra thanh bình hơn.

Khen ngợi trẻ về những hành vi trẻ... không làm
Điều này nghe có vẻ lạ nhưng khi áp dụng cách này, tôi đã sốc vì nó vô cùng hiệu quả.
Bất cứ khi nào trẻ không nghe lời (không chịu ra khỏi bồn tắm, chẳng chịu mặc quần áo hay dọn dẹp đồ chơi)... tôi chỉ cần bảo con: "Mẹ rất vui khi con ra khỏi bồn tắm" hay "Con đúng là chàng trai biết dọn dẹp sạch sẽ. Cảm ơn con"... Những lúc đó, tôi thường nhận được một cái nhìn lạ lùng của bọn trẻ và... sốc hơn, các con làm đúng như lời tôi nói. Cách này có thể không thành công 100% nhưng thực sự đáng để thử.

Nói "được thôi" khi trẻ bảo con sẽ không làm việc gì đó
Câu này nghe có vẻ như một lời khuyên quá tệ nhưng bạn cứ thử xem, biết đâu lại giúp đổi ngược tình thế. Khi con tôi tuyên bố: "Con sẽ không dọn dẹp phòng đâu. Quá nhiều đồ". Tôi bình tĩnh bảo: "Được thôi".
Khi đó trẻ thường nhìn lại mẹ với đôi mắt mở to, còn tôi thì tiếp tục: "Có lẽ mẹ lại thay bộ đồ ở nhà thôi, chứ hôm nay chắc chúng mình sẽ không đi đâu cả khi nhà cửa bừa bộn thế này. Mẹ muốn đi vườn bách thú nhưng không được rồi". Sau đó, tôi bỏ ra chỗ khác. 10 lần như vậy thì có tới 9 lần trẻ sẽ nhanh chóng dọn sạch và chạy ngay ra ngăn mẹ thay bộ đồ mặc nhà.

Khi con nói không lễ phép, đừng mắng, hãy nhắc con câu bạn muốn bé nói
Điều này cũng khá lạ và có thể khiến nhiều bố mẹ phản đối. Khi trẻ đòi hỏi điều gì đó với từ ngữ không tôn trọng, hãy nhắc câu bạn muốn con nói chứ không chỉ trích bé.

Chẳng hạn, khi đứa con 4 tuổi của tôi gào "Con muốn sữa cơ!", tôi nói: "Mẹ ơi, mẹ lấy sữa hộ con với ạ". Sau vài lần như vậy, bây giờ, con tôi nói những câu như "Cảm ơn mẹ" hay "Mẹ giúp con..." rất tự nhiên.
Thể hiện tình yêu trẻ khi con nói những lời làm bạn tổn thương

Khi con nói những câu kinh khủng như "Con ghét mẹ" hay "Con ước gì con không phải là con của mẹ", hãy phản ứng ngược lại với thông thường. Đừng nói những câu kiểu như "Đồ láo toét"... mà chỉ cần đáp: "Như vậy cũng không sao. Mẹ vẫn yêu con". Thường nếu trẻ giận dữ tới mức hét lên những lời này, chúng muốn bạn cảm thấy tổn thương. Nhưng hãy đáp lại bằng sự tử tế và tình yêu thương và bạn sẽ thấy tình huống sẽ kết thúc bằng nước mắt, tiếng cười hoặc cả hai.

Theo VnExpress

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét